Trước khi xuất xưởng, nhiều loại khí tài quân sự Mỹ, đặc biệt là chiến đấu cơ, đều phải trải qua kiểm tra trong một “lò thử thách đặc biệt” ở bang Florida.
Một chiến đấu cơ Mỹ được thử nghiệm tại MCL - Ảnh: Gizmodo |
Do máy bay quân sự thường phải trải qua những điều kiện thời tiết thuộc loại khắc nghiệt nhất trong thời gian phục vụ nên việc tìm hiểu khả năng chịu đựng của khí tài cũng như lường trước mọi tình huống sự cố đóng vai trò then chốt để đảm bảo độ tin cậy và năng lực hoạt động trên chiến trường. Tuy nhiên, không dễ gì kiểm soát được điều kiện môi trường trong các cuộc thử nghiệm trên thực địa và nhiều khi phải chờ cả năm trời mới “bắt” được diễn biến thời tiết thích hợp để tiến hành.
Vì vậy, người Mỹ có một giải pháp thay thế, đó chính là Phòng thử nghiệm thời tiết McKinley (MCL).
Trong thời gian bờ đông nước Mỹ trải qua những trận bão tuyết kỷ lục hồi tuần trước, Lầu Năm Góc vẫn có thể yên tâm rằng các khí tài của mình bảo đảm hoạt động tốt. Bởi trước khi được bàn giao, hầu hết chúng đều đã trải qua những màn “tra tấn” khắc nghiệt nhất tại MCL.
Từ băng giá đến hỏa ngục
Tọa lạc tại căn cứ không quân Eglin ở bang Florida, MCL được đặt theo tên đại tá Ashley McKinley, người đưa ra ý tưởng xây dựng vào năm 1947. Đến nay, MCL đã trải qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp và hiện là một trong những buồng cách nhiệt lớn nhất thế giới với diện tích 5.100 m2. Theo tờ Military Times, cơ sở này đã được sử dụng để tiến hành các cuộc thử nghiệm nhằm kiểm nghiệm khả năng chịu đựng mọi điều kiện thời tiết của khoảng 300 mẫu máy bay khác nhau, từ oanh tạc cơ B-29 tới F-22, F-16, cùng 2.000 loại khí tài, trang bị khác của quân đội.
“Thời tiết nhân tạo của chúng tôi không thể tốt hơn mẹ thiên nhiên. Chúng tôi chỉ cố gắng mô phỏng để tạo ra điều kiện tương đương”, chuyên trang Airforce Technology dẫn lời Giám đốc MCL Dwayne Bell khiêm tốn nói. Trên thực tế, MCL có thể tạo ra nhiệt độ từ -54oC đến 74oC nhờ hệ thống làm lạnh công suất lớn và các lò đun dùng gas. Bên cạnh đó, cơ sở này có thể mô phỏng hầu như mọi điều kiện thời tiết hiện hữu trên trái đất, từ mưa gió và độ ẩm cực cao ở vùng nhiệt đới, bão bụi ở sa mạc đến băng giá, tuyết rơi. Thậm chí, theo ông Bell, cả sấm sét và lốc xoáy cũng có thể xuất hiện bên trong 4 bức tường của MCL.
Từ chỉ có một nhà kho chứa máy bay khổng lồ ban đầu, MCL sau nhiều năm đã bổ sung 5 cơ sở thử nghiệm chuyên dụng, bao gồm buồng thử nghiệm nắng, gió, mưa và bụi; buồng thử nghiệm sương muối; buồng mọi thời tiết; buồng thử nghiệm cao độ và nhiệt độ; và buồng thử nghiệm thiết bị. Nhờ đó, MCL hiện có thể hỗ trợ đắc lực các chương trình thử nghiệm máy bay quân sự lẫn dân sự.
Chi phí “khủng”
Theo Military Times, tùy thuộc điều kiện thử nghiệm, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ như Raytheon, Northrop Grumman, Pratt and Whitney hay Lockheed Martin sẽ phải thuê phòng thí nghiệm MCL này để kiểm nghiệm khả năng chịu đựng của sản phẩm, với chi phí 10.000 - 30.000 USD mỗi ngày. Dù mức này khá cao nhưng đây là công đoạn không thể thiếu để phát hiện lỗi trên khí tài trước khi chúng được đưa vào vận hành.
Các thử nghiệm tại đây có thể cho thấy động cơ máy bay sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu bị đóng băng hoặc hút phải tuyết trong điều kiện lạnh giá, hay thiết bị điện tử của một chiến đấu cơ có gặp trục trặc trong thời tiết cực nóng hay không.
Tiếp chuyện phóng viên của Airforce Technology tại MCL, kỹ sư cao cấp Kevin Cogan trưng ra bức ảnh một chiếc tiêm kích F-16 phủ đầy băng tuyết cùng một cánh quạt động cơ bị bẻ cong sau nhiều tiếng đồng hồ tra tấn bằng băng giá nhân tạo. “Đó là lý do chúng tôi phải tiến hành những thí nghiệm này”, ông Cogan nói. Ở buồng bên cạnh, một máy bay khác “trân mình” dưới luồng hơi cực nóng để kiểm tra hệ thống kiểm soát nhiệt độ và khả năng làm nguội.
Không chỉ có máy bay, cơ sở này còn là nơi “thử lửa” các loại xe tăng, xe bọc thép, ống phóng tên lửa cùng nhiều loại động cơ khác nhau. Kể cả các hãng vũ khí nước ngoài và nhà sản xuất máy bay dân sự cũng mang sản phẩm đến MCL để thử nghiệm. Theo Airforce Technology, những chiếc phi cơ chở khách nổi tiếng như Boeing 787 và Airbus A350 đều đã trải qua thử thách ở MCL. “Đối với các khách hàng quân sự lẫn dân sự của chúng tôi, họ chỉ có 2 lựa chọn: MCL hoặc né thời tiết xấu”, Giám đốc Bell tuyên bố.
Trong cẩm nang hướng dẫn Flight Testing Under Extreme Climatic Conditions (tạm dịch: Thử nghiệm bay dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt) được phát hành hồi năm 1988, ông Clendon L.Hendrickson, khi đó là Phó chỉ huy đơn vị phụ trách các hệ thống khung máy bay của không quân Mỹ, viết: “Việc thử nghiệm các hệ thống vũ khí trong môi trường khắc nghiệt là điều tối quan trọng trong bất kỳ nỗ lực quân sự toàn cầu nào”. Ngày nay, nhận định của ông Hendrickson càng có ý nghĩa hơn khi môi trường tác chiến tiếp tục mở rộng trong khi khí tài quân sự ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp. Military Times dẫn lời giới chuyên gia khẳng định MCL đang góp phần đáng kể vào việc củng cố hiệu quả vận hành của các phương tiện chiến đấu Mỹ, giúp nước này củng cố vị thế hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ quân sự.
V-22 Osprey rơi vì bụi mù
Dù đã trải qua những thử nghiệm cực kỳ nghiêm ngặt nhưng không phải lúc nào máy bay cũng có thể sống sót trong điều kiện môi trường bất lợi. Ngày 17.5.2015, một chiếc phi cơ đa nhiệm V-22 Osprey của thủy quân lục chiến Mỹ bị rơi trong lúc diễn tập ở Hawaii khiến 2 binh sĩ thiệt mạng và 20 người bị thương. Theo Đài CBS, khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, 2 cánh quạt cực mạnh tạo ra một đám mây cát bụi ngay bên dưới và động cơ máy bay đã hút phải cát núi lửa đặc trưng của Hawaii. Với nhiệt độ gần 700oC trong động cơ, cát bị nóng chảy và thủy tinh hóa rồi kẹt bên trong cánh quạt.
Theo chuyên trang Breaking Defense, V-22 Osprey được trang bị bộ tách bụi khí động cơ để giữ cho động cơ sạch sẽ. Tuy nhiên, thiết bị này chỉ phát huy tác dụng khi máy bay không lơ lửng trên đám bụi dày quá lâu. Trước vụ tai nạn, Lầu Năm Góc khẳng định V-22 Osprey có thể vận hành an toàn trong đám mây bụi tối đa 60 giây. Tuy nhiên, chiếc máy bay gặp nạn chỉ chìm trong bụi 45 giây trước khi động cơ trái ngừng hoạt động.
Đến tháng 11.2015, thủy quân lục chiến Mỹ công bố kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân tai nạn đến từ nhiều yếu tố, từ thiếu sót trong điều nghiên địa hình diễn tập đến sai lầm của phi công và bộ phận hướng dẫn. Ngoài ra, lực lượng này cũng quyết định hạ thời gian hoạt động an toàn trong bụi mù của V-22 Osprey từ 60 giây xuống còn 30 giây. Có nghĩa là, phi công phải cho máy bay nâng độ cao trở lại nếu họ không thể cho hạ cánh trong điều kiện bụi mù trong vòng 30 giây, theo Breaking Defense.
Trọng Kha
|
Bình luận (0)