Vụ không tặc bí ẩn nhất lịch sử: Kỳ án không có hồi kết

03/01/2016 09:44 GMT+7

Từ những điều tra viên kiên định nhất cho đến các thám tử nghiệp dư, chưa ai có thể tìm ra lời giải về kết cuộc của tên không tặc D.B.Cooper.

Từ những điều tra viên kiên định nhất cho đến các thám tử nghiệp dư, chưa ai có thể tìm ra lời giải về kết cuộc của tên không tặc D.B.Cooper.

Một số tờ tiền của Cooper được phát hiện năm 1980, 9 năm sau vụ không tặc  - Ảnh: FBIMột số tờ tiền của Cooper được phát hiện năm 1980, 9 năm sau vụ không tặc - Ảnh: FBI
Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày tên tội phạm được gọi là D.B.Cooper biến mất không tăm tích, sau khi gây ra vụ cướp máy bay táo bạo ngày 24.11.1971 trên vùng trời giữa bang Washington và bang Nevada của Mỹ. Bất chấp nỗ lực không mệt mỏi của giới điều tra với hàng trăm giả thuyết và hàng ngàn nghi phạm, tất cả vẫn hoàn toàn bế tắc.
Hiện Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vẫn không đóng hồ sơ vụ án dù đã hết thời hiệu từ lâu. Nhiều đặc vụ FBI tin rằng Cooper không thể sống sót sau khi nhảy dù khỏi chiếc máy bay Boeing 737 cùng 200.000 USD (khoảng hơn 1,17 triệu USD theo thời giá hiện nay). Tuy nhiên, người ta chưa hề tìm được thi thể, quần áo hay mảnh dù nào nên kết luận này không được công nhận.
Bí ẩn những tờ tiền rách
“Người hùng” hắc đạo
Cần phải nói ngay, D.B.Cooper hoàn toàn là một tên tội phạm gây án vì động cơ cá nhân, không hành hiệp trượng nghĩa hay cướp giàu giúp nghèo gì, chí ít là đến bây giờ người ta vẫn tin là vậy. Tuy nhiên, với kế hoạch hoàn hảo, ra tay táo bạo, thái độ lịch lãm và tấm màn bí ẩn bao trùm đã biến ông ta thành một “huyền thoại” tại Mỹ. Sau năm 1971, đã có 16 vụ cướp máy bay bắt chước theo cách gây án của Cooper nhưng tất cả đều không thành công và thủ phạm nhanh chóng bị bắt, theo tạp chí The New Yorker.
Ngoài ra, Cooper là nhân vật chính hoặc nguồn cảm hứng cho hàng chục cuốn sách, bộ phim, nhạc phẩm, phim truyền hình, truyện tranh...
Trong nhiều năm qua, FBI lần lượt công bố rất nhiều giả thuyết về nhân thân Cooper nhưng không có một dấu tích nào về số phận của hắn sau khi gây án.
Theo sách Norjack: The Investigation of D.B.Cooper (tạm dịch: Vụ không tặc Norwest: Cuộc điều tra về D.B.Cooper) của cựu đặc vụ FBI Ralp Himmelsbach, giả thuyết có vẻ đáng tin cậy nhất là Cooper mang quốc tịch Mỹ và có thể từng phục vụ trong không quân. Ông ta tỏ ra rất am tường về cách hoạt động của máy bay và ngành hàng không, luôn tỏ ra bình tĩnh trong mọi tình huống và chắc chắn từng được huấn luyện về nhảy dù.
Một chi tiết đáng chú ý khác là khi máy bay đang hướng về phi trường Seattle-Tacoma ở bang Washington để giới chức giao tiền chuộc cho Cooper, ông ta từng thuận miệng nói với tiếp viên Florence Schaffner rằng căn cứ không quân McChord chỉ cách phi trường Seatlle-Tacoma khoảng 20 phút chạy xe, điều mà hiếm người dân thường nào biết được.
Bên cạnh đó, các nhà điều tra tin rằng cái tên giả Dan Cooper mà thủ phạm sử dụng lấy từ tên nhân vật chính của một truyện tranh phiêu lưu bằng tiếng Pháp. Do bộ truyện này chưa từng được dịch sang tiếng Anh và xuất bản ở Mỹ nên nhiều khả năng Cooper là lính không quân từng sang châu Âu trú đóng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, bộ truyện đã được xuất bản ở Canada nên không loại trừ Cooper là công dân nước này.
Mặt khác, từ năm 1971, FBI đã thông báo số sê ri của các tờ giấy bạc giao cho Cooper đến mọi ngân hàng, sòng bạc, trường đua trên toàn quốc cũng như lực lượng cảnh sát khắp thế giới. Tuy nhiên, mãi đến tháng 2.1980, một cậu bé 8 tuổi tên Brian Ingram trong lúc đi nghỉ với gia đình bên bờ sông Columbia, đoạn nằm cách thành phố Vancouver (bang Washington) khoảng 14 km, tình cờ tìm thấy 300 tờ 20 USD bị hư hại nặng do ngâm nước và có số sê ri trùng với thông báo của cảnh sát.
Tuy nhiên, phát hiện này không những không mang lại thêm manh mối gì mà còn làm nảy sinh thêm nhiều câu hỏi khác về nguồn gốc của số tiền cũng như thời gian và địa điểm chúng rơi xuống sông. Đến nay, không có tờ nào trong số 9.700 tờ giấy bạc còn lại từng xuất hiện ở bất cứ đâu trên thế giới.
Từ năm 2009, một nhà cổ sinh vật học tên Tom Kaye đã cùng một số bạn bè thám tử nghiệp dư lập nhóm điều tra vụ án bằng cách sử dụng những công nghệ tiên tiến. Gần đây họ công bố trên website Cooper Research Team rằng đã phát hiện phân tử titan trên chiếc cà vạt mà Cooper bỏ lại. Cần biết rằng vào thời điểm 1971, titan hiếm hơn bây giờ rất nhiều và thường chỉ có trong các nhà máy luyện kim và hóa chất. Từ đó, Kayne nêu giả thuyết có thể sau khi xuất ngũ, Cooper từng làm việc trong những cơ sở này, thậm chí lên đến chức quản lý (nên mới mang cà vạt ở nhà máy).
Sát nhân máu lạnh ?
Từ năm 1971, FBI đã xem xét, thẩm vấn và điều tra hàng ngàn nghi phạm cùng rất nhiều người tự nhận là D.B.Cooper hoặc người thân của ông ta, nhưng đều chẳng đi đến đâu. Trong số này, ly kỳ nhất là 2 trường hợp của Richard McCoy Jr. và John List.
Ngày 7.4.1972, McCoy Jr. gây ra một vụ không tặc nhằm vào máy bay của Hãng United Airlines quá cảnh tại Denver, bang Colorado với cách thức hành động giống vụ của Cooper đến từng chi tiết, thậm chí phi cơ cũng là Boeing 737 và số tiền cũng là 200.000 USD. Tuy nhiên, người này bị bắt chỉ 2 ngày sau và lĩnh án 45 năm tù giam, theo AP. Ở tù được 2 năm, McCoy Jr. cùng một số phạm nhân khác cướp xe rác tông sập cổng trại giam để vượt ngục. Sau 3 tháng truy tìm, các đặc vụ FBI tìm ra kẻ đào tẩu tại bang Virginia và bắn hạ người này trong một cuộc đấu súng dữ dội.
Do 2 vụ hầu như hoàn toàn tương đồng và McCoy Jr. phù hợp với một số giả thuyết về nhân thân D.B.Cooper như từng là cựu binh chiến đấu tại VN và có khả năng nhảy dù thượng thặng nên nhiều nhà điều tra tin rằng 2 người là một. Cuốn sách The D.B.Cooper Story: The Copycats (tạm dịch: Câu chuyện D.B.Cooper: Những vụ tương tự) dẫn lời viên đặc vụ bắn chết McCoy Jr. khẳng định: “Khi tôi hạ gục McCoy Jr. cũng là lúc tôi chấm dứt câu chuyện về D.B.Cooper”. Bản thân McCoy Jr. không xác nhận hay bác bỏ các đồn đoán.
Tuy nhiên, cuối cùng FBI tin rằng hắn chỉ là một kẻ bắt chước. Khi gây án ở Denver, McCoy Jr. 29 tuổi trong khi theo các nhân chứng, Cooper khoảng 40 - 45 tuổi. Hơn nữa, có nhiều bằng chứng đáng tin cậy cho thấy vào ngày xảy ra vụ Cooper, McCoy Jr. đang ở Las Vegas.
Trong khi đó, John List là một tên sát nhân máu lạnh đã giết cả gia đình mình vào năm 1971 rồi lẩn trốn đến năm 1989 mới bị bắt. List cũng từng đi lính trong Thế chiến 2 lẫn Chiến tranh Triều Tiên trước khi xuất ngũ và làm việc trong ngành ngân hàng tại thị trấn Westfield, bang New
Jersey. Tuy nhiên, sau khi mất việc và đời sống hôn nhân lâm vào ngõ cụt, tâm lý của hắn trở nên ngày càng bất ổn, theo tờ The New York Times. Ngày 9.11.1971, List bắn chết vợ, mẹ và 3 đứa con từ 13 - 16 tuổi rồi bỏ trốn. Do gia đình y sống rất khép kín nên đến gần 1 tháng sau, hàng xóm mới phát hiện ra thảm kịch. List thay tên đổi họ, ẩn náu qua nhiều nơi khác nhau, cuối cùng lấy vợ mới và sống tại bang Virginia trước khi bị bắt. Tên sát nhân lĩnh 5 án tù chung thân và chết năm 2008 ở tuổi 82.
Vẻ ngoài của List khá giống với mô tả nhân dạng Cooper, thời điểm hắn biến mất cũng trùng với vụ không tặc. Hơn nữa, các nhà điều tra suy luận rằng chỉ có “một kẻ đào tẩu không còn gì để mất mới có thể gây ra vụ án liều lĩnh như vậy”. Tuy nhiên, sau khi bị bắt, List bác bỏ mọi cáo buộc dính líu đến D.B.Cooper và FBI không tìm ra bằng chứng thuyết phục nào để định tội. Cũng không hợp lý khi một kẻ đã đang tâm sát hại cả gia đình lại không hề làm bị thương hay tỏ vẻ đe dọa ai trong vụ không tặc. Đến nay, cái tên John List vẫn xuất hiện trong các giả thuyết về Cooper nhưng FBI không còn xem y là nghi phạm.
Hiện hồ sơ vụ án D.B.Cooper đã lên tới 60 tập và lâu lâu vẫn được cập nhật những giả thuyết mới. Có thể tên không tặc bí ẩn đã tan xác trong đêm mưa gió năm 1971 hoặc ở một góc nào đó trên thế giới, một ông già 90 tuổi lại nở nụ cười kiêu hãnh xen lẫn mỉa mai mỗi khi thấy gương mặt mình xuất hiện trên ti vi.
Hành động của Cooper đã tác động dẫn đến thay đổi lớn ở ngành hàng không. Sau vụ không tặc của y năm 1971 và hàng chục vụ bắt chước sau đó, an ninh hàng không được siết chặt thay vì gần như thả nổi trước đó. Giới chức bắt đầu yêu cầu soi chiếu hành lý và kiểm tra cơ thể hành khách. Máy bay thương mại cũng dần không còn gắn cầu thang lên xuống mà thay bằng cầu thang di động đặt ở phi trường.
Một thay đổi lớn khác là Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ ra quy định bắt buộc trên cửa buồng lái có những lỗ nhỏ để phi công có thể quan sát tình hình trong khoang chở khách, theo tờ The Seattle Times
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.