Vụ khủng bố ở Anh: Kẻ khủng bố còn sống và đang chuẩn bị tấn công

11/07/2005 23:20 GMT+7

* Anh nâng báo động khủng bố lên mức chưa từng có "Nếu mọi người không đi làm trở lại và London không hoạt động bình thường, bọn khủng bố sẽ thắng nhưng chắc chắn rằng bọn chúng sẽ không thắng" - đó là thông điệp của chính quyền London sau vụ tấn công khủng bố vừa qua.

 Thị trưởng London K.Livingstone đã đích thân đi làm bằng tàu điện ngầm để khuyến khích dân chúng trở lại với các phương tiện giao thông công cộng. Thực ra mọi người cũng không còn lựa chọn nào khác. Tất cả các trường học và công sở đóng cửa hôm thứ sáu qua cũng đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, bầu không khí nặng nề vẫn bao trùm khắp nơi.

 

Đe dọa khủng bố cực kỳ cụ thể

 

"Cực kỳ cụ thể" là cấp độ được giới chức an ninh London đánh giá về tình hình hiện nay - mức báo động chưa từng được áp dụng ở xứ sở sương mù và  còn cao hơn cả cấp độ sau vụ 11.9. Ở Anh, mức báo động được chia làm 4 cấp và "cực kỳ cụ thể" là mức cao thứ 2, đồng nghĩa với một âm mưu khủng bố đã được biết trước. Hành động này được quyết định sau khi các nhà điều tra xác định 3 vụ tấn công trên tàu điện ngầm không phải là đánh bom tự sát, có nghĩa là thủ phạm vẫn còn lởn vởn ở đâu đó. Tờ The Times dẫn các nguồn tin an ninh cho hay kẻ thủ ác còn đang lên kế hoạch cho một đợt tấn công mới.

 

Các nhà điều tra cho biết thủ phạm từ bên ngoài vào London và gặp nhau tại ga điện ngầm King's Cross rồi từ đó tỏa ra 3 tuyến đường khác nhau. Vụ nổ ở Aldgate xảy ra ở phía đông King's Cross sau 8 phút tàu chạy trong khi vụ nổ ở Edgware Road cách King’s Cross 8 phút về hướng tây và vụ Russell Square xảy ra sau đó vài chục giây ở phía nam King’s Cross. Hiện các nhà điều tra đang xem xét kỹ lưỡng hình ảnh và các camera an ninh ghi lại được ở King's Cross. Trong vụ đánh bom Madrid (Tây Ban Nha) hồi năm ngoái làm 191 người chết, những kẻ thủ ác cũng gặp nhau tại một điểm trước khi tỏa đi kích nổ bom cùng một lúc. Riêng đối với kẻ chủ mưu vụ tấn công London, giới phân tích cho rằng y đã cao chạy xa bay khỏi Anh quốc từ lâu. Các nhà điều tra cho rằng kẻ này có thể đã đi lại ở hệ thống tàu điện ngầm của Anh nhiều lần, xem xét kỹ lưỡng rồi về nhà vạch kế hoạch và thời điểm chi tiết cho các vụ tấn công. Cuộc truy tìm kẻ này đã tỏa ra khắp thế giới, từ Bắc u đến Trung Đông, châu Phi...

 

Cái đầu bị nát

 

Cảnh sát Anh đã có thông báo chính thức đầu tiên về danh tính nạn nhân của vụ đánh bom khủng bố hôm 7.7. Nạn nhân đầu tiên được nhận dạng là bà Susan Levy, 53 tuổi, sống ở vùng Hertfordshire ở phía bắc London. Thủ tục thẩm tra chính thức về cái chết của bà Levy cũng đã được thực hiện tại tòa án St.Pancras ở London vào hôm qua. Các chuyên gia pháp y đã sử dụng phương pháp nhận dạng vân tay, DNA và chỉ số răng để "đặt tên" cho các thi thể. Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều tuần mới có thể nhận dạng được tất cả 49 thi thể các nạn nhân được tìm thấy sau vụ khủng bố. (BBC) (Đ.H)
Một mũi điều tra quan trọng đang được triển khai quanh xác chiếc xe buýt bị đánh bom. Một trong những giả thuyết được đưa ra là thủ phạm định thực hiện một đợt tấn công thứ 2 ở hệ thống tàu điện ngầm, khi tất cả mọi người đang nháo nhào tìm đường thoát thân sau 3 vụ tấn công đầu tiên nhưng kẻ thủ ác phải chuyển phương án sang chiếc xe buýt vì các cuộc sơ tán xảy ra quá nhanh và hệ thống tàu điện ngầm mau chóng ngưng hoạt động. Các chuyên gia pháp y hôm chủ nhật đã lần ra một manh mối quan trọng sau khi phát hiện một cái đầu bị nát. Một kinh nghiệm từ Israel: cái đầu bầm dập chứng tỏ chất nổ rất gần với người chết và điều này gợi ý về một cuộc đánh bom tự sát. Tuy nhiên, giới điều tra cũng không loại trừ khả năng một nạn nhân vô tội đã nhặt cái túi mà không biết trong đó chứa bom. Trước mắt, người ta đang sử dụng kỹ thuật tái tạo hình ảnh khuôn mặt để nhận diện cái đầu kể trên.

 

Chính quyền Anh tích cực kêu gọi mọi người gửi cho họ hình ảnh, đoạn băng mà họ vô tình quay, chụp được tại các ga tàu điện ngầm trước vụ tấn công và khuyến cáo công chúng là không được bỏ quên các túi xách, bưu kiện ở nơi công cộng vì chúng có thể được xem là các túi bom. Đường dây nóng chống khủng bố được thiết lập sau ngày kinh hoàng 7.7 đã nhận được hơn 1.700 cú điện thoại. Chính bầu không khí quá căng thẳng bao trùm khắp nơi đã dẫn đến hơn 100 vụ báo động nổ bom, trong đó có vụ sơ tán hơn 20.000 người dân ở Birmingham đêm thứ bảy qua.

 

Kiều Oanh

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.