Vu lan, tài xế GrabCar làm bố đơn thân: 'Ngày đón con, đêm nào ba cũng khóc'

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
31/08/2020 09:41 GMT+7

Là tài xế GrabCar, anh Long vừa phải chạy xe xuyên đêm chở khách vừa làm bố đơn thân chăm con gái nhỏ và không ngừng nỗ lực để con gái có cuộc sống tốt hơn.

Câu chuyện của anh Đỗ Hoàng Long (32 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) và con gái là Đỗ Trần Thùy Chi (2 tuổi, tên ở nhà là Dâu) được nhiều người quan tâm khi anh chia sẻ lên mạng xã hội. Những dòng tâm sự gửi đến con gái sau hai tháng đón con về sống chung khiến nhiều người không khỏi ấm lòng.
“Những ngày đầu đón con về ba cực lắm không biết gì hết, không biết thay tã, không biết tắm cho con, không biết cho con ăn vì đó giờ ba chỉ biết đi kiếm tiền để lo cho gia đình nhỏ của mình thôi. Ngày đón con về, đêm nào ba cũng khóc, ba suy sụp hoàn toàn ốm mười mấy kg. Rồi ba đi hỏi bạn bè của ba, ai có con là ba hỏi cách chăm con sao, cách pha sữa sao, cách thay tã sao, từ từ ba cũng làm được. Vậy là hai ba con mình ở với nhau 2 tháng rồi đó, rồi ba cũng lo cho con đi học, rồi ba còn phải đi kiếm tiền. Sinh hoạt của ba riết theo sinh hoạt của con hết luôn, đôi khi hơi buồn và vất vả một chút nhưng mỗi lần ba về nhà hay ba đi đón con đi học về nhìn thấy con ba lại vui và không mệt nữa”, anh viết.

'Nhiều lúc con bệnh quấy khóc, chỉ biết ôm con mà khóc'

Kết thúc cuộc hôn nhân, anh Long đón con về để chăm sóc và trở thành "gà trống nuôi con". Từ ngày bé Dâu về, công việc và sinh hoạt hằng ngày của anh phải theo sinh hoạt của con. Mỗi sáng thức dậy, anh Long phải tắm cho con, thay đồ rồi cho con ăn sáng. Đến 8 giờ, con anh đi học sau đó về tranh thủ chợp mắt đến 9 giờ ra xe đi làm.15 giờ, anh vội vã về để đón con ở trường mẫu giáo, cho con ăn uống rồi chơi cùng con. 18 giờ, anh tiếp tục đi làm.

Bé Dâu là con gái nên anh Long gặp khó khăn hơn trong việc hiểu con

Ảnh: NVCC

tài xế GrabCar, hôm nào khách vắng thì 3 giờ sáng về anh Long về nhà, khách đông thì 5 - 6 giờ sáng mới về nhà là chuyện bình thường. Về đến nhà lại đến giờ con đi học.
Không có kinh nghiệm trong việc chăm con, anh Long phải tìm hiểu con từ đầu để xem con thích gì, muốn gì và ghét gì. Ngoài tự tìm hiểu trên mạng, anh Long còn hỏi thêm bạn bè, mọi người xung quanh về cách chăm sóc con nhỏ.
“Nhiều khi đang ăn con ị phải đi thay tã rửa đít. Nhiều khi ị xong còn lấy tay trét ra đầy nhà dọn xong cái là hết ăn luôn. Nhiều lúc con bệnh nó quấy khóc mình nhìn mà xót lắm chỉ biết ngồi nhìn ôm con mà khóc. Sáng ra là phải tắm rửa súc bình sữa pha sữa, tối ngủ thì thức 5 đến 7 lần để pha sữa đút cho con uống”, anh nói.

Nhiều lúc anh chở theo bé Dâu khi đi chở khách

Ảnh: NVCC

Anh tâm sự những ngày đầu bé Dâu về ở với anh còn khóc đòi mẹ nhưng dần dần cũng quen và không đòi nữa. Đối với anh, vấn đề khó khăn nhất khi làm bố đơn thân là pha sữa, thay tã, đút cho con ăn và tắm cho con. Vì bé Dâu là con gái nên phải vệ sinh kỹ vùng kín, rửa xong phải xem coi đã sạch chưa rồi có bị hăm hay nổi gì không.
“Bố đơn thân nếu con trai thì đỡ hơn. Tính đàn ông thì không được tỉ mỉ, hồi đó tôi không biết may vá, nhưng giờ một mình nên phải tập. Hồi mới đón con tôi sợ phân lắm. Bữa mới đón về thay tã cho con thấy phân tôi ói luôn mà vẫn phải rửa đít cho con, dần thì quen giờ không còn sợ nữa”, anh nói.

Con gái và mẹ là động lực sống

Chia sẻ với Thanh Niên, anh cho biết bản thân chưa bao giờ chụp hình chung với con gái vì tự ti. Trong những bức hình anh chụp cùng bé Dâu chỉ có một cánh tay xăm trổ của anh. Anh kể lại trước đây từng làm nhân viên an ninh trong quán Bar nên ngoại hình có phần hung tợn. Từ khi sinh bé Chi, anh nghỉ hẳn công việc cũ và chuyển qua làm tài xế GrabCar.

Anh Long vừa phải kiếm tiền vừa chăm con nhỏ

Ảnh: NVCC

Từ khi làm bố đơn thân, anh không còn gặp gỡ hay cà phê bạn bè thay vào đó là dành toàn bộ thời gian cho con và gia đình. Ở chung với bố mẹ nhưng nhưng mẹ của anh Long mắc bệnh ung thư phải thường xuyên đi bệnh viện nên anh tự mình chăm bé Dâu để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Dù bận rộn, ngày nào anh Long cũng dẫn bé Dâu đi mua đồ chơi hoặc bánh kẹo, cuối tuần thì đưa con đi khu vui chơi.

Bé Dâu năm nay đã học mẫu giáo nhưng chậm nói khiến anh Long lo lắng và phải tập chữ hàng ngày

Ảnh: NVCC

Có ngày khách vắng chạy chỉ được vài trăm nghìn đồng, trừ các chi phí, anh Long còn lại được 200.000 đồng tiền xăng xe. Chưa kể những ngày con bệnh anh phải ở nhà luôn để chăm con.
“Có bữa nhiều khách, cũng có thu nhập thì tôi lo mua sữa cho con, bữa nào vắng thì tôi ăn hủ tiếu gõ ven đường cho qua bữa. Mưa gió cũng phải ở ngoài đường để kiếm thêm chút tiền cho con một cuộc sống tốt hơn”, anh bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.