Vụ mua bán 92 kg vàng: Không có căn cứ để chuyển đổi tội danh

25/01/2014 09:15 GMT+7

Thanh Niên Online ngày 21.1 có bài Đi buôn lậu hàng trăm kg vàng vì hoàn cảnh nghèo, phản ánh việc các bị cáo trong vụ án này bị khởi tố về hành vi buôn lậu 92 kg vàng, trong thời gian được tại ngoại các bị can đã thay đổi lời khai và sau đó cơ quan chức năng đã căn cứ vào các lời khai này để chuyển đổi tội danh từ 'buôn lậu' thành 'kinh doanh trái phép'.

Thanh Niên Online ngày 21.1 có bài Đi buôn lậu hàng trăm kg vàng vì hoàn cảnh nghèo, phản ánh việc các bị cáo trong vụ án này bị khởi tố về hành vi buôn lậu 92 kg vàng, trong thời gian được tại ngoại các bị can đã thay đổi lời khai và sau đó cơ quan chức năng đã căn cứ vào các lời khai này để chuyển đổi tội danh từ “buôn lậu” thành “kinh doanh trái phép”.

 
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ buôn lậu vàng ở Châu Thành, Tiền Giang - Ảnh: H.P

Lời khai nào có giá trị chứng minh tội phạm?

Tại cơ quan điều tra, Don, Sanh và Lợi khai số vàng trên là của Nguyễn Ngọc Luân (62 kg) và Nguyễn Thị Tuyết Vân (30 kg), cả 2 cùng ngụ tại Châu Đốc, An Giang. Khi bị cơ quan điều tra triệu tập, Luân và Vân khai số vàng trên được mua của một người Campuchia tên Kỵ và Kỵ giao vàng tại nhà. Sau đó, Vân thuê Sanh và Lợi vận chuyển lên TP.HCM giao cho Phạm Tùng Nguyên (quận 5, TP.HCM) 20 kg và Trịnh Thị Hồng Vân (quận 6, TP.HCM) 10 kg. Riêng Luân thuê Don vận chuyển 62 kg vàng lên giao cho Phạm Tùng Nguyên 32 kg và Tiêu Khai Phến (quận 5, TP.HCM) 30 kg.

Khi mới bị bắt, Nguyễn Thị Tuyết Vân cũng khai có người phụ nữ tên Kỵ. Cơ quan điều tra phối hợp với Cảnh sát Vương quốc Campuchia xác minh được những người mua bán vàng qua biên giới với Luân và Vân là Tăng Ly Sun và Phong Khi Yên (con của Sun) ngụ tại TP.Phnom Penh. Từ tháng 1 đến ngày 7.2.2010, Luân cùng đồng phạm đã mua bán vàng trái phép từ Campuchia về Việt Nam tổng cộng 210 kg rồi vận chuyển lên TP.HCM bán lại cho Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến, trong đó 62 kg vàng bị bắt giữ ngày 4.2.2010 trị giá 43,5 tỉ đồng. Tuyết Vân cùng đồng phạm đã mua bán 126 kg vàng lậu qua biên giới, trong đó số bị bắt giữ ngày 4.2.2010 là 30 kg, trị giá 21 tỉ đồng...

Những lời khai này của hai bị can Vân, Luân cũng như tài liệu xác minh của cơ quan điều tra đã thể hiện rất rõ nguồn gốc, xuất xứ của số vàng 92 kg là do các bị can mua của bà Tăng Ly Sun ở Campuchia về bán lại cho Nguyên và Phến. Không những thế, các bị can còn có lời khai thống nhất về việc đã mua bán vàng trái phép từ Campuchia về Việt Nam tổng cộng 210 kg và đã nhiều lần tiêu thụ trót lọt.

Như vậy, những lời khai trên chẳng những có đủ cơ sở để truy tố và xét xử các bị can (bị cáo) về tội “buôn lậu” mà còn cho thấy các bị can (bị cáo) trong vụ án này, đã nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, cần phải truy tố và xét xử các bị can Vân, Luân, Nguyên, Phến về tội “buôn lậu” theo quy định tại điểm a khoản 4 điều 153 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt là “vật phạm pháp có giá trị từ một tỉ đồng trở lên”. 

Việc các bị can thay đổi lời khai cho rằng, số vàng trên không phải có nguồn gốc từ Campuchia mà được mua lại của hai người có tên là Mũi và Hai ở chợ Tịnh Biên, nhưng không cung cấp được bất kỳ một địa chỉ hay thông tin nào về hai đối tượng này, là hoàn toàn không có cơ sở để chấp nhận.

Lời khai này không có giá trị về mặt chứng cứ. Vì vậy không có căn cứ để cơ quan chức năng thay đổi tội danh từ “buôn lậu” thành “kinh doanh trái phép” đối với các bị can (bị cáo) trong vụ án này.

Hồ Ngọc Diệp *

(*) Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, một luật sư đang làm việc tại Đoàn luật sư TP.HCM

>> Xét xử vụ buôn lậu vàng: Trả lại 92 kg vàng vật chứng cho 2 bị cáo
>> Khen thưởng đơn vị phát hiện 92 kg vàng lậu
>> Bắt thêm 2 người trong vụ nhập lậu 92 kg vàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.