Doanh nghiệp chưa có giấy phép đã ồ ạt hút cát
Như Thanh Niên hôm 6.7 đã thông tin, cùng ngày, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Trị đã ập vào bắt quả tang vụ khai thác cát trái phép ngay giữa lòng hồ, trong khuôn viên của Nhà máy thủy điện Khe Giông (thuộc Công ty CP đầu tư Thanh Hoa).
|
Ông Trần Xuân Đông, Phó quản đốc Nhà máy thủy điện Khe Giông (thuộc Công ty CP đầu tư Thanh Hoa) thừa nhận hoạt động khai thác cát sỏi lòng hồ chỉ mới được UBND tỉnh đồng ý chủ trương chứ chưa cấp phép, nhưng Công ty CP đầu tư Thanh Hoa đã có hợp đồng kinh tế với đơn vị thực hiện là Công ty TNHH xây dựng số 9 (cùng có trụ sở tại TP.Đông Hà, Quảng Trị).
Ông Đông giải thích thêm với đoàn kiểm tra rằng, mùa mưa cận kề nhưng lòng hồ bị đất cát vùi lấp, không đủ sản lượng nên lãnh đạo công ty chỉ đạo anh em hút cát lên để làm sạch lòng hồ, chứ chưa bán ra ngoài (?).
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Trị đã lập biên bản hiện trường về các dấu hiệu sai phạm của các bên liên quan đến hành vi “Khai thác khoáng sản trái phép” để tiếp tục điều tra làm rõ.
"Hút trước một ít vì sợ mưa bão không làm được"
Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng tải thông tin về vụ việc, ông Trương Đức Hai, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng số 9 (đơn vị đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty CP đầu tư Thanh Hoa để hút cát), đã chủ động liên lạc với phóng viên và trình bày nhiều nội dung.
|
Theo ông Hai, nếu việc nạo vét lòng hồ thủy điện Khe Giông chưa có sự đồng ý về chủ trương của UBND tỉnh (ra ngày 23.4) và chưa được Sở Công thương làm tờ trình gửi cho UBND tỉnh (ngày 21.5, về việc “Cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ Công trình thủy điện Khe Giông”) thì Công ty TNHH Xây dựng số 9 sẽ không dám triển khai.
“Nhưng vì đã có 2 văn bản trên, nên chúng tôi bàn bạc với Công ty CP đầu tư Thanh Hoa cho làm trước, để đưa lên bãi tập kết một ít. Chứ khi mưa bão đến thì không biết đường nào mà lần, vì đường sá ở khu vực rất khó khăn, không biết bán cát cho ai”, ông Hai nói.
|
Cũng theo ông Hai, khối lượng nạo vét ở lòng hồ thủy điện Khe Giông đã được Sở Công thương xác định là 67.000 m3. “Công ty có khai thác trước hay sau thì cũng phải đóng thuế, phí cho Nhà nước đúng bằng khối lượng như thế. Chúng tôi cũng mới hút lên chứ chưa bán cho ai”, ông giải thích.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết về nguyên tắc, bất cứ hoạt động nào trong phạm vi công trình thủy lợi, thủy điện muốn thực hiện phải có giấy phép.
Còn về phía địa phương, UBND tỉnh mới cho chủ trương để tiếp tục xây dựng phương án khai thác, các giải pháp để đảm bảo an toàn, xây dựng báo cáo tác động môi trường. Tiếp đó, doanh nghiệp trình cơ quan chuyên môn xem xét, thẩm định, trình UBND tỉnh cấp phép. “Nguyên tắc không có giấy phép là không được hoạt động. Chậm trễ cũng là do anh (tức doanh nghiệp - PV) làm hồ sơ chưa hoàn chỉnh. Hiện, Sở chưa nhận được hồ sơ của hoạt động này, nhưng nếu Sở Công thương hoặc UBND tỉnh đề nghị, Sở sẽ có ý kiến”, ông Hòe khẳng định.
|
Trong khi đó, ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết doanh nghiệp phải xuất trình được giấy phép, không có giấy phép là sai.
PV Thanh Niên đặt câu hỏi về việc phía Công ty CP đầu tư Thanh Hoa (chủ sở hữu Nhà máy thủy điện Khe Giông) mới đang thực hiện các thủ tục để được cấp phép khai thác cát sỏi ở lòng hồ mà đã “cầm đèn chạy trước ô tô”... thì địa phương sẽ xử lý ra sao, liệu có bị xem xét lại về việc cấp phép. Ông Đồng cho biết sẽ cho cấp dưới đến hiện trường, nắm lại vụ việc rồi sẽ thông tin.
Bình luận (0)