Với các mức án đang phải chấp hành trước đó về tội “Đánh bạc”, “Đưa hối lộ” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo này phải chịu tổng cộng mức án là 23 năm tù giam.
Chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hợp cũng khẳng định, việc Viện KSND TP Hà Nội thay đổi tội danh đối với Dũng “tổng” là “phù hợp và đủ căn cứ pháp lý”.
|
Theo giải thích, các chứng cứ trong hồ sơ chưa có đủ cơ sở kết luận ông Dũng phạm tội tham ô tài sản. Tuy nhiên, căn cứ vào các lời khai và các tài liệu khác, có đủ cơ sở kết luận bị cáo này phạm tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.
Hành vi của bị cáo thể hiện rõ qua việc nói với cấp dưới chi 500 triệu đồng làm quà chia tay cho ông Đỗ Kim Quý, nguyên Phó tổng PMU 18 khi nghỉ hưu và chi 100 triệu đồng để tiếp đãi khách không đúng nguyên tắc.
Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng tuyên phạt bị cáo Đỗ Kim Quý 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Bảy bị cáo bị cáo khác bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” đều lần lượt nhận các mức án: Nguyễn Vũ Nam, nguyên Trưởng phòng Triển khai dự án 6 (PID6): 9 năm tù giam; Nguyễn Công Dũng, nguyên chuyên viên PID6: 6 năm tù giam; Nghiêm Phú Sơn, nguyên Phó phòng PID6: 7 năm tù giam; Lê Minh Giang, nguyên Phó phòng PID5: 6 năm tù giam; Nguyễn Hữu Minh, nguyên Giám đốc điều hành gói thầu BC1 tại dự án cầu Bãi Cháy: 4 năm tù giam; Nguyễn Hữu Long, nguyên Giám đốc điều hành gói thầu BC3: 5 năm tù giam; Trần Đức Hùng, nguyên Chánh văn phòng tư vấn, dự án cầu Bãi Cháy: 3 năm tù.
Ngoài các mức án trên, các bị cáo còn buộc phải hoàn trả số tiền đã chiếm hưởng.
Trong vụ án này, Bộ Giao thông vận tải cũng như PMU 18 đều đã có công văn khẳng định mình không phải là người bị hại, do đó không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, HĐXX vẫn khẳng định, bị hại trong vụ án này chính là Bộ GTVT.
HĐXX nhận định, dự án xây dựng cầu Bãi Cháy trên quốc lộ 18 (Quảng Ninh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7.1998 bằng nguồn vốn vay ODA từ Nhật Bản. Bộ GTVT được giao làm chủ đầu tư. PMU18 là đại diện chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý và thi công dự án.
Lợi dụng vai trò là đơn vị đại diện chủ đầu tư quản lý, khi triển khai công việc được giao, Phạm Tiến Dũng (nguyên Trưởng phòng PID 6) phát hiện có nhiều sơ hở trong việc quản lý, chi trả lương cho nhân viên tư vấn bổ sung (NVTVBS) tại các gói thầu nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Phạm Tiến Dũng đã gặp và thông qua Bùi Tiến Dũng, sau đó cấu kết với các bị cáo Nguyễn Vũ Nam, Nguyễn Công Dũng, Nghiêm Phú Sơn, Lê Minh Giang, Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Hữu Long, Trần Đức Hùng để lập hồ sơ NVTVBS khống, với danh sách cho cả 3 gói thầu BC1, BC2, BC3 là 26 người. Sau đó rút tiền lương của 26 NVTVBS khống là hơn 3,4 tỉ đồng. Số tiền này được PMU 18 thanh toán hơn 3,08 tỉ đồng từ nguồn vốn dự án. Các đối tượng đã chia nhau hưởng lợi cá nhân.
Trong vụ án này, HĐXX cho rằng ông Phạm Tiến Dũng giữ vai trò chủ mưu nhưng do ông này đã chết trong quá trình tạm giam nên được đình chỉ, không truy tố.
Trong quá trình xét xử, đa số các bị cáo không thừa nhận hành vi của mình, nhưng căn cứ vào hồ sơ, vào lời khai của ông Phạm Tiến Dũng khi còn sống, có đủ bằng chứng để kết luận về hành vi phạm tội của các bị cáo.
HĐXX cũng nhận định đây là vụ án tiêu cực có sự móc ngoặc thông đồng giữa chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn, các bị cáo phạm tội có tổ chức. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan như bị cáo đầu vụ đã chết, một số đơn vị liên quan sau khi hoàn thành công trình cầu Bãi Cháy đã giải thể nên không thể thực hiện các biện pháp tố tụng để làm rõ toàn diện.
Thái Sơn
Bình luận (0)