Trước đó, thị trường chứng khoán chứng kiến cuộc tháo chạy lịch sử tại nhóm cổ phiếu bất động sản. Sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông báo bỏ cọc, cộng với thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, bán "chui" cổ phiếu, hàng loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng giảm sàn.
Đến phiên giao dịch chiều 14.1, dù một số mã đã “cầm máu”, không còn cảnh “trắng bên mua”, chất hàng chục triệu cổ phiếu bên bán, song đa phần vẫn chìm trong sắc đỏ và giảm gần kịch biên độ.
Diễn biến tiêu cực này khiến nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu bất động sản, xây dựng thua lỗ nặng, đặc biệt là cổ phiếu FLC, CEO, CII…
Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc gây sốc cho thị trường bất động sản |
Ngọc dương |
Nhà đầu tư bị hoảng loạn nhất thời
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc tác động đến các dự án bất động sản, giá nhà đất khác là không nhiều. Giá nhà đất ở mỗi vùng, mỗi dự án sẽ tuỳ thuộc vào tiềm năng tại khu vực ấy chứ không vì cuộc đấu giá mà tăng lên hay giảm xuống.
Về phản ứng của thị trường chứng khoán liên quan đến cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản liên tục giảm sàn sau tâm thư bỏ cọc của Chủ tịch Tân Hoàng Minh, ông Đính cho rằng chỉ là ngắn hạn, nhà đầu tư bị tâm lý hoảng loạn nhất thời.
PGS - TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, đánh giá khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá ô đất 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) với mức giá cao như vậy thì thị trường bất động sản cả nước nói chung đều chuẩn bị tâm thế thiết lập mặt bằng giá cao đột biến. Khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc thì mặt bằng giá đất mới sẽ giảm xuống nhưng sẽ giảm không nhiều.
Nguyên nhân, trong cuộc đấu giá đất cao đột biến mà Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng với giá 2.500 tỉ đồng thì cũng có nhiều đơn vị trả giá đến cả nghìn tỉ đồng để mong sở hữu lô đất. Đơn vị thua cuộc so với Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đã trả đến 23.800 tỉ đồng. Với mức giá như vậy cho thấy mặt bằng giá đất đã được thiết lập cao hơn so với thời điểm chưa có cuộc đấu giá. Chưa kể làn sóng dồn dập sốt đất trong cả nước vẫn mạnh mẽ.
Cũng theo PGS - TS Đinh Trọng Thịnh, mới đây, Quốc hội họp đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỉ đồng. Gói hỗ trợ này ít nhiều sẽ tạo nên lạm phát, nên dòng tiền sẽ tìm đến kênh bất động sản để trú ẩn, tránh mất giá. Năm 2022, bất động sản sẽ hồi phục, nhất là bất động sản công nghiệp do đang có xu hướng dòng tiền nước ngoài đổ vào đầu tư trở lại mạnh, thể hiện rõ ở quý 4/2021. Đất nền, nhà giá rẻ, phân khúc nhà ở bình dân, trung cấp còn nhiều tiềm năng tăng giá.
Nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu bất động sản |
N.t |
Tân Hoàng Minh “quay xe”, lô đất Thủ Thiêm sẽ về tay ai? |
Giá bất động sản giảm trong ngắn hạn
Do vậy, PGS - TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhìn nhận, việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc chỉ là tác động ngắn hạn. Về lâu dài thì không gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản. Giá đất sẽ vẫn tăng, đặc biệt là đất sạch, pháp lý đầy đủ.
Bình luận về phản ứng trên thị trường chứng khoán khi có tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc, các cổ phiếu bất động sản giảm sàn la liệt nhiều phiên, thậm chí dư bán hàng triệu cổ phiếu không ai mua, ông Thịnh cho hay, đấy là tâm lý đám đông hoảng sợ tháo chạy, điều rất bình thường khi thị trường có đột biến.
“Có những mã cổ phiếu không liên quan đến cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm nhưng vẫn giảm sàn là hiệu ứng tuyết lở. Thị trường chứng khoán thời gian qua tăng nóng nên khi có tin xấu rất dễ tạo ra hiệu ứng tuyết lở. Tuy nhiên, sau khi thị trường định hình trở lại, cổ phiếu bất động sản sẽ phân hoá mạnh, dòng tiền sẽ tìm đến những mã của doanh nghiệp có tài sản thật, chiến lược kinh doanh bài bản. Chưa kể, gói hỗ trợ nền kinh tế 350.000 tỉ đồng là rất lớn, đây là thông tin rất quan trọng. Nhà đầu tư lúc này cần tỉnh táo để tránh bị ảnh hưởng tâm lý tháo chạy”, PGS - TS Thịnh nói.
Bình luận (0)