Lâu nay, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kính viễn vọng Hubble để đếm hầu hết những thiên hà xa nhất có thể nhìn thấy được bằng công nghệ hiện nay.
Và để ghi nhận các thiên hà quá xa hoặc tỏa ánh sáng quá yếu, họ đã phải viện dẫn đến các mô hình toán học mới và bản đồ 3-D để thám hiểm những nơi mà chưa kính viễn vọng nào vươn tới. Kết quả thu được thực sự gây choáng ngợp: phải có đến 2 nghìn tỉ thiên hà nằm trong vũ trụ có thể quan sát được.
Con số trên gấp 10 lần so với dự đoán trước đây là vào khoảng 100 tỉ đến 200 tỉ thiên hà, nhưng 90% trong số này vẫn nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của công nghệ hiện thời. Báo cáo đăng trên chuyên san Astrophysical do các chuyên gia của Đại học Nottingham (Anh) phối hợp thực hiện với các đồng sự ở Đại học Edinburgh (Scotland) và Đại học Leiden (Hà Lan), và đại diện cho 15 năm kiên trì nghiên cứu. Tận dụng hệ thống kính viễn vọng được phân bổ dọc theo địa cầu, kèm theo các mô hình toán học để tính toán và kế đến là tạo ra bản đồ 3-D về các thiên hà trên toàn vũ trụ, các chuyên gia đang cung cấp những manh mối mới nhất về quá trình tiến hóa của vũ trụ sơ khai.
“Chúng ta đang không nhìn thấy đa số vũ trụ vì chúng tỏa ra ánh sáng vô cùng yếu ớt và rất xa xôi”, theo tác giả chính Christopher Conselice, Giáo sư vật lý học thiên thể của Đại học Nottingham. “Số lượng các thiên hà trong vũ trụ lâu nay vẫn là câu hỏi cơ bản của thiên văn học, và thật sự ai nấy đều bị choáng khi biết được có hơn 90% số thiên hà trong vũ trụ hiện nằm ngoài tầm nghiên cứu của chúng ta”, Giáo sư Conselice cảm thán.
Với việc đo đạc các thiên hà tại những thời điểm khác nhau của dòng thời gian, tiến sĩ Conselice và đồng sự đã thu được những cái nhìn mới về cách thức vũ trụ giãn nở. Những thiên hà kích thước lớn hơn ngày nay trên thực tế là tổ hợp của nhiều thiên hà nhỏ gộp lại trong quá trình tiến hóa. Trong lúc những phát hiện mới làm khơi dậy nhiều câu hỏi có tiềm năng đóng vai trò làm nền tảng cho các nghiên cứu tương lai, chúng cũng bắt đầu trả lời cho những nghi vấn khác.
Bình luận (0)