Vũ Việt Hà tâm sự: "Di sản Việt quá trù phú và giàu bản sắc - đây chính là nguồn cảm hứng, vốn liếng và là nền móng để tôi phát triển sức sáng tạo trên tà áo dài Việt. Càng thiết kế, tôi càng yêu áo dài nhiều hơn và làm cho chiếc áo dài đẹp hơn, văn minh hơn".
Phom dáng áo dài cổ thập niên 30 là một signature khó lẫn của Vũ Việt Hà, từng được anh tôn vinh qua nhiều bộ sưu tập như: Nối dài, Chim thiên đường, Giấc mơ (BST trình diễn tại Triển lãm Thế giới Expo 2021 Dubai)...
Chia sẻ về ý tưởng của bộ sưu tập áo dài Ngày trở về vừa trình diễn tại chương trình Bước chân di sản, nhà thiết kế cho biết anh lấy ý tưởng từ sự phát triển của gốm Bát Tràng từ thế kỷ 15, 16 trở lại đây. Đũi tằm được sử dụng tương ứng với đất nung, tơ sống với men tráng, tơ tằm óng ả tương ứng với gốm men của họa tiết cổ trên men lam thế kỷ 15, 16.
Kỹ thuật thêu tay được chăm chút tỉ mẩn trên nền vải lụa cùng phom áo dài cổ thập niên 30 giúp mọi người cảm nhận như chính mình đang được trở về với cội nguồn, với những giá trị quý giá ông cha để lại.
"BST cũng là bước chân trở về của những người trẻ chúng tôi với di sản, trở về với văn hóa, truyền thống tơ tằm của làng nghề Việt", Vũ Việt Hà tâm sự.
Sự tinh tế chứa đựng trong mỗi tấm áo dài của nhà thiết kế được khéo léo truyền tải qua ngôn ngữ thời trang chân phương, mộc mạc nhưng đậm đà dấu ấn di sản Việt.
NTK cho biết anh phải lựa chọn rất kỹ càng các họa tiết từ cổ điển đến hiện đại trên men gốm và tính toán sự sắp xếp bố cục sao cho thật hài hòa trước khi biến chúng trở thành những mẫu họa tiết trên BST.
Khi thì thô sần chắc chắn từ đũi Nam Cao, lúc óng ả mềm mại của lụa Hà Đông, nhấn nhá chút xuyên thấu với tơ sống Mỹ Đức... Đặc biệt gây ấn tượng về hiệu ứng thị giác là những đường thêu thủ công của các nghệ nhân làng Quất Động và những đường kim khâu áo của tổ nghề làng Trạch Xá truyền lại... tất cả được hội tụ trong BST Ngày trở về - như những bước chân di sản thấm đẫm giá trị văn hóa truyền thống Việt.
NTK cho biết anh và đội ngũ của mình đã làm việc cật lực trong một tháng để hoàn thiện BST gồm 20 mẫu thiết kế. Tuy vậy, sáng tạo trên chất liệu truyền thống và sử dụng kỹ thuật khâu, thêu cổ điển của nghệ nhân vô cùng kỳ công và tiêu tốn thời gian nhiều hơn cả dự tính. Mãi đến trước giờ diễn 45 phút, bộ áo dài cuối cùng mới được hoàn thành.
Gốm và lụa là hai chủ đề "khó nhằn" vì thoạt nhìn có thể thấy chúng chẳng hề liên quan đến nhau, có thể khi đưa vào áo dài sẽ mạo hiểm vì làm không khéo sẽ gây nên phản cảm, nửa vời. Chính vì vậy nhà thiết kế đã dành thời gian dài để nghiên cứu kỹ lưỡng, tỉ mỉ và tận tâm để có thể hiểu rõ. Anh tự mình đưa ra những so sánh, kết hợp thử nghiệm và cuối cùng tự tin truyền tải lại bằng ngôn ngữ của thời trang áo dài Vũ Việt Hà.
Nhà thiết kế áo dài Vũ Việt Hà trong màn chào kết BST Ngày trở về. |
Toàn cảnh màn trình diễn BST Ngày trở về của nhà thiết kế Vũ Việt Hà với sự kết hợp mãn nhãn của lụa và gốm Bát Tràng trong ngày khai mạc Bước chân di sản.
Ảnh: Kim Bánh Trôi Nước, Trương Gia Huy