Vừa học vừa chán môn văn: Cần một chương trình mở

23/05/2012 03:49 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên xung quanh việc dạy và học văn trong nhà trường phổ thông hiện nay, GS Nguyễn Minh Thuyết (ảnh) - Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) ngữ văn THPT có cách nhìn nhận đa chiều.

Vừa học vừa chán môn văn: Cần một chương trình mở 

Đa số học sinh (HS) vẫn không thích học môn ngữ văn, việc học vẫn nặng theo hướng để ứng phó với các kỳ thi. GS lý giải như thế nào về thực tế này?

Việc HS trung học, nhất là THPT, không thích học ngữ văn có lý do khách quan của nó. HS đầu tư cho môn khoa học tự nhiên nhiều hơn vì "đầu ra" cho những HS giỏi các môn này rộng rãi hơn: số trường ĐH, CĐ về kinh tế, kỹ thuật nhiều hơn, ra trường dễ tìm việc làm hơn, thu nhập và cơ hội thăng tiến cao hơn. Bên cạnh đó, phương tiện nghe nhìn ngày càng phát triển cũng hình thành thói quen mới là thích nghe, thích xem hơn là đọc tác phẩm văn học, nhất là những tác phẩm văn học ở thời đại quá xa với các em. Vì những lý do này, môn ngữ văn và các môn khoa học xã hội khó hấp dẫn HS  hơn so với trước kia.

Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là hạn chế của chương trình. Thiết kế chương trình của chúng ta cứng quá. Tôi chỉ lấy phần văn học làm ví dụ. Với tham vọng phản ánh đầy đủ các thành tựu tiêu biểu trong lịch sử văn học dân tộc và một số nền văn hóa phát triển trên thế giới, chương trình không còn thời gian dành cho văn học đương đại. Những tác phẩm HS thích, những tác phẩm vừa ra đời, đang được dư luận quan tâm thì các em không được học. Phần lớn tác phẩm nổi tiếng trong quá khứ, kể cả một số tác phẩm đỉnh cao, rất có thể không phù hợp với tâm lý, sở thích của thanh niên bây giờ, không được các em hào hứng đón nhận.

Trong khi đó, càng lên cấp học cao thì sức ì của giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học càng lớn. Đến những năm cuối cấp THPT, giáo viên bị áp lực chuẩn bị cho HS tham dự các kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp, tuyển sinh, việc dạy học theo kiểu cung cấp sẵn, áp đặt kiến thức càng phổ biến.

Theo GS, cần phải có phương pháp dạy chung hiệu quả cho môn học này hay không?

 

Những tác phẩm HS thích, những tác phẩm vừa ra đời, đang được dư luận quan tâm thì các em không được học

Dạy văn rất khó. Mỗi tác phẩm văn học là một thực thể duy nhất, một sáng tạo không lặp lại. Vậy làm thế nào để tìm được phương pháp dạy học vừa phù hợp với tác phẩm cụ thể, lại vừa tạo ra được năng lực cảm thụ tác phẩm văn học nói chung cho HS? Cá nhân từng thầy cô có thể thành công nhiều hoặc ít nhưng khái quát thành một phương pháp chung, triển khai thành công vào thực tế thì còn nhiều khó khăn lắm.

Ai cũng biết nếu thầy cô có cảm thụ văn học tốt, đem cảm thụ tinh tế của mình mà giảng cho HS thì HS rất thích nhưng phương pháp này không khơi gợi được tính tích cực, do đó không phát triển được năng lực cảm thụ của HS. Nhưng nếu áp dụng phương pháp thiên về kỹ thuật để bày cho HS cách phân tích, cảm thụ thì nhiều khi lại “băm nát” tác phẩm ra, làm cho tác phẩm không còn cái hồn của nó nữa. Cho nên, nói rằng chưa có những phương pháp dạy văn hiệu quả thì không đúng nhưng giữa nhận thức chung về các phương pháp ấy với việc triển khai chúng trong thực tế vẫn có khoảng cách lớn; khoảng cách được thu hẹp đến đâu phụ thuộc vào sự vận dụng của thầy cô và học trò.

Sách văn mẫu tràn ngập thị trường sách tham khảo, HS lướt web để làm văn, GS nghĩ gì về điều này?

Thời đi học, tôi cũng thích đọc những bài văn mẫu, đó là những bài văn của HS đoạt giải trong các kỳ thi lớn, những bài văn được chọn lọc của học trò. Nhưng đọc chỉ để tham khảo, để rút kinh nghiệm cho mình. Sao phỏng những bài văn ấy, thầy cô cho điểm kém ngay. Bây giờ sách văn mẫu in ra rất nhiều. Văn mẫu còn được cung cấp trên internet nữa. Các bài văn ấy không phải để tham khảo mà để HS sao chép, lấy điểm cao. Điều này thật tệ hại vì nó làm lười óc suy nghĩ, sáng tạo của HS và đánh lừa tất cả chúng ta về kết quả giáo dục.

Theo GS, khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới sau 2015, điều gì cần phải thay đổi trước tiên về nội dung môn học này?

Chương trình mới cần phát huy những ưu điểm của chương trình hiện hành đồng thời, cần một chương trình mở. Theo tôi, chương trình chỉ nên xác định những kiến thức, kỹ năng, mức độ cần đạt, chứ không buộc phải học những tác phẩm, trích đoạn cụ thể nào. Ví dụ, chương trình chỉ nêu yêu cầu nắm được khái niệm nhân vật văn học, cách xây dựng nhân vật của một thể loại, một trường phái, một phong cách nào đó; việc lựa chọn tác phẩm cụ thể để dạy về nhân vật văn học một phần do tác giả SGK, một phần do thầy và trò quyết định. Chương trình nên tạo cơ hội cho HS giới thiệu và thảo luận với các bạn cùng lớp những tác phẩm mình mới đọc. Tính mở của chương trình còn phải thể hiện ở sự phân phối hợp lý giữa thời gian học tập trên lớp với thời gian hoạt động cá nhân mà chương trình hiện hành vẫn xếp vào loại hoạt động ngoại khóa như đi thư viện, bảo tàng.

Vừa học vừa chán môn văn: Cần một chương trình mở
Sách tham khảo văn mẫu bày bán tràn lan - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đến lúc phải thay đổi cách thi cử

Dưới áp lực của xã hội, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu ra đề bám sát chương trình - SGK phổ thông. Cách ra đề như vậy có mặt tích cực của nó. Ít nhất là từ khi ra đề sát chương trình - SGK, nhiều HS nông thôn không hề biết đến các lò luyện thi cũng đỗ với điểm rất cao.

Nhưng vì đề thi như vậy, chấm thi thì "đếm ý cho điểm" nên giáo viên các lớp cuối cấp không dám mạo hiểm đổi mới phương pháp, phát huy tính tích cực của HS vì phải tập trung dạy cho đủ bài. Thậm chí, những môn học, học phần hoặc vấn đề không có trong nội dung thi còn được tự động cắt bớt. Chấm thi theo kiểu đếm ý thì kỹ năng diễn đạt cũng không quan trọng.

Để đề thi bám sát chương trình - SGK, người ra đề chỉ có thể hỏi về các tác phẩm có trong SGK THPT; thậm chí không được ra đề vào những tác phẩm đã được giảm tải. Sách chỉ có bằng ấy tác phẩm, sau dăm sáu kỳ thi thì mọi khía cạnh đều đã được phân tích nát ra rồi nên không còn hỏi được cái mới nữa.

 Thi như vậy thì không thể tránh được việc học tủ, học thuộc lòng phần văn. Cách thi cử này đã đến lúc phải thay đổi, nhưng rất cần sự ủng hộ của xã hội.

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

>> Vừa học vừa chán môn văn - Kỳ 2: Cắt xén tác phẩm văn học
>> Vừa học vừa chán môn văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.