Ông bắt đầu câu chuyện từ khi còn là cậu bé nghèo sống trong xóm “nhà lá” ở Q.4, Sài Gòn thập niên 1950 - 1960. Cái nghèo đã “rèn” nên một nhạc sĩ có tâm hồn nhạy cảm, luôn khát khao yêu nhưng nhiều lần thất bại vì… yêu.
“Nhạc của tôi phần lớn viết về những chuyện tình dang dở, trắc trở khi yêu. Hàng trăm ca khúc phần lớn đều viết từ chính cảm xúc, tình yêu đời tôi và những gì diễn ra gần gũi xung quanh”, nhạc sĩ Vinh Sử mở đầu câu chuyện với nỗi ưu tư còn hằn sâu trên trán.
|
Từ chàng nhạc sĩ nghèo đến “nhất dạ đế vương”
Mắc căn bệnh ung thư trực tràng sau thời gian dài điều trị hiện sức khỏe ông thế nào rồi, thưa nhạc sĩ?
Tôi vẫn thế, mấy năm qua nhờ uống thuốc và thăm khám đều đặn. Mỗi tháng trung bình uống 1 lọ thuốc trị ung thư mua bên Úc tầm hơn 1 triệu đồng. Các dụng cụ y tế mang bên người thì mua ở Đức cũng thay đổi thường xuyên nên khá tốn kém. Chi phí cho bệnh khoảng hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng may mắn giờ vẫn khỏe, lên xuống phòng thu, viết nhạc còn tốt. Tôi vẫn đi xe máy được nhưng chủ yếu đi bộ chỗ nào gần cho có thêm sức khỏe.
|
Sau vài lần được giúp thì giờ tôi tự trang trải, mọi thứ cũng không đến nỗi khó khăn. Thi thoảng viết nhạc cho các ca sĩ trẻ để họ tự đứng tên, xài độc quyền suốt đời thu về khoảng 25 triệu đồng/bài. Có tháng “trúng” được 2 bài là sống khỏe. Nhưng đâu dễ vậy. Có khi 2 - 3 tháng chưa viết xong hay viết khoảng 30 lần vẫn xé bỏ vì đề tài họ đưa khó lắm. Cũng có khi được “nhập” viết 1 tuần xong hết.
Khi bolero “sống lại”, người ta đồn rằng nhạc sĩ Vinh Sử lại giàu và “trúng” dữ lắm từ tác quyền?
Mỗi tháng trung bình tiền tác quyền khoảng 15 - 20 triệu đồng, đủ để lo cho cuộc sống và bệnh tình lúc này. May mắn cho những nhạc sĩ lớn tuổi như tôi có nơi đi thu hộ tác quyền. Cũng không trúng gì đâu, bình thường thôi.
Người ta gọi Vinh Sử là “vua nhạc sến”, ông có hạnh phúc về điều đó hay bị trăn trở?
Ban đầu nghe cũng ngộ nhưng riết rồi quen. Tự người ta phong chứ tôi có nói mình như thế đâu. Đến giờ thật khó để mà xác định như thế nào là nhạc sến. Người ta hay nghĩ “sến” là cái gì đó bình dân, rất bình thường… không sang. Thôi thì cứ vui khi người ta gắn cho mình “ông vua”. Mà cứ “vua” là tôi thích, thấy vui!
Nhắc luôn đến chuyện vua, ngày xưa ông từng có nhiều đêm làm “nhất dạ đế vương” (một đêm làm vua - PV). Phải “kinh khủng” lắm thì mới hưởng thụ như thế đúng không, thưa nhạc sĩ?
Đúng là hồi trẻ tôi ăn chơi bạt mạng. Chơi một đêm có khi 12 cây vàng ở các nhà hàng nổi tiếng khu Chợ Lớn (Sài Gòn). Đúng nghĩa “nhất dạ đế vương”. Tôi ngồi trên “ngai vàng”, uống toàn rượu Tây. Bước vô nhà hàng có nhiều giai nhân vây quanh, muốn gì được nấy. Chắc tại tôi “chơi” bạt mạng quá nên những giai nhân bên cạnh lần lượt ra đi. Sau thời gian về chung nhà, họ đã không chịu nổi cách sống của tôi thời đó nên ra đi.
Ông nói mình sinh ra, lớn lên trong cảnh nghèo khó, xin hỏi tiền đâu ông “đốt” nhiều vậy?
Lúc đó tôi đã nổi tiếng, vừa làm ông bầu, vừa sáng tác, tổ chức biểu diễn… Tôi còn mua nhạc của các nhạc sĩ khác để kinh doanh. Bạn có biết mỗi bài tôi “trúng” như: Yêu người chung vách, Nhẫn cỏ cho em, Chuyến xe lam chiều (ký là Cô Phượng)… mua được mấy chiếc xe hơi hồi đó. Giàu nhanh nên tôi “phá” cũng nhanh. Vợ tôi, người yêu tôi vì thế mà rời bỏ vì không chấp nhận được. Ban đầu họ thích tôi vì nhạc, vì kinh tế vững. Sau đó tôi không đủ lo cho họ nên mâu thuẫn, cãi cọ. Nhưng cái chính là do cách sống của tôi họ không chịu nổi nên buông. Sống phung phí quen rồi nên tôi không tiết kiệm được cho đến khi… hết tiền.
Yêu nhiều giai nhân nên bị bỏ rơi
Giàu có, “hô mây gọi gió”, và có bao nhiêu giai nhân sẵn sàng sà vào lòng, tại sao ông bảo mình luôn “thất tình” vì gái đẹp?
Tôi yêu và thất tình vì những người không yêu tôi. Các cô ấy đẹp lại con nhà giàu có nữa. Tôi yêu đơn phương thời trẻ, lúc đó chưa có gì trong tay. Sau này các cô đến với tôi cũng chỉ một thời gian. Họ không chịu được cách sống của tôi nên ra đi. Tôi cũng vì thế mà buồn rồi trút hết vào âm nhạc nên mới có nhiều bài… thất tình.
Phải chăng ông đang nói đến Đêm lang thang viết cho cô gái đẹp Thu Hằng con của chủ nhà hàng ngày đó?
Tôi nhớ mãi ngày người yêu quyết không nhìn mặt vì gia đình ngăn cấm không cho yêu nhạc sĩ như tôi. Lúc đó xót xa, buồn chán và tuyệt vọng, tôi đi lang thang suốt đêm. Mà ngày xưa đi về khuya không khéo sẽ bị bắt ngay. Nên tôi tìm những con hẻm nhỏ len lỏi đi suốt đêm để vơi nỗi buồn. Tôi viết Đêm lang thang là đúng tâm trạng “thất tình”, nói về một tình yêu lãng mạn không thành.
Nhưng bài ông thường nhắc, gắn với ngày mới bước vào sáng tác là Yêu người chung vách?
Năm đó tôi khoảng 14 tuổi và để ý nhớ thầm một cô gái nhà kế bên. Nhà chung vách lá nên tôi “khoét” hẳn một cái lỗ để “theo dõi” nàng. Thực ra nói theo dõi cho vui chứ mỗi khi nhớ là vạch vách lá xem nàng đang làm gì. Có hôm nọ, khi đang “nhìn trộm” qua vách thì nàng phát hiện và… chọt ngay ngón tay vô mắt tôi. Đau không thể tả và mắt bị sưng tấy đến mấy ngày không thể ra đường. Nàng tên Hằng và rất đẹp.
Còn bài Ánh mắt người xưa, Vòng nhẫn cưới, Nối lại tình xưa... cũng lại “thất tình” luôn sao ông?
Người tôi thầm thương trộm nhớ một ngày nọ báo tin đi lấy chồng làm tôi giật mình, buồn, thương. Nàng lấy người giàu có và mời tôi dự đám cưới. Nhìn họ trao nhẫn sang trọng cho nhau tôi cứ nhớ hình ảnh Nhẫn cỏ cho em rồi viết Vòng nhẫn cưới. Còn bài Nối lại tình xưa tôi viết đến nay cũng đã gần 55 năm cùng với Ngân Giang. Hôm đó đúng là tình cờ không hiểu sao tôi bất ngờ gặp lại người yêu cũ trong một nhà hàng. Lúc đó vì còn tình cảm nên Ngân Giang “xúi” hai đứa hãy về lại với nhau đi. Vậy nên đã tạo cảm xúc rất thật để tôi viết Nối lại tình xưa.
Còn bài 0 giờ rồi, có thông tin cho rằng ông viết cho cặp vợ chồng nghèo khi chứng kiến cảnh người vợ vất vả, tảo tần chăm chồng và ngược lại?
Không, bài đó tôi viết cho chính tôi. Cho người vợ có với tôi 3 người con. Chúng tôi sống với nhau hơn 10 năm. Cô ấy giờ mất rồi. Ngày đó tôi còn nợ nần, ở nhà thuê, hay trốn tránh người ta đến nhà đòi nợ. Lúc đó tôi nghèo thật sự. Có khi cô ấy còn canh cho tôi trốn dù đã 0 giờ.
Ngoài tình yêu, có phải vì tuổi thơ ông gắn với những người lao động gian khó, chứng kiến nhiều cảnh cơ cực nên nhạc của ông luôn gần gũi họ?
Tôi lớn lên từ mái lá mà. Tôi nhớ các cô gái nhà nghèo ở xóm lao động của tôi. Các cô thường ra lấy nước miễn phí ở những vòi nước tập thể ngay các góc đường rồi mang đến bán cho người khá giả. Nhìn họ xếp hàng lấy nước thương lắm và trong đó tôi cũng yêu thầm một cô gái đẹp chuyên đi... lấy nước. Cô đi bán nước để lấy tiền nuôi em ăn học, nuôi ba mẹ. Hồi đó yêu cũng không dám xưng anh dù lớn tuổi hơn, chỉ can đảm lắm xưng tên thôi. Bài Gái nhà nghèo ra đời cũng vì chứng kiến những cảnh ấy.
Tất cả những bài hát tôi viết từ chính tình yêu, cuộc đời thật của mình chứ không phải ai khác.
Ông có 6 người con và 1 người bạn đời luôn sẵn lòng muốn ông về sống chung. Tại sao ông lại chọn một mình? Ông đang bệnh sống cô đơn như thế không sợ nguy hiểm sao?
Bây giờ tôi thích sống một mình để dễ sáng tác, muốn làm gì thì làm. Quen rồi nên không thấy cô đơn. Ăn xong để đó, mặc đồ xong có khi vất ở góc nhà. May mắn vẫn còn người vợ lâu lâu ghé giúp, khi thì rửa chén đĩa, dọn dẹp; lúc gom hết đồ về giặt. 6 người con tôi đều yên bề gia thất. Con lấy ai, tôi đồng ý ngay miễn các con thấy hạnh phúc. 6 cái đám cưới tôi đều có mặt lo chu toàn. Các con cũng muốn tôi về ở chung nhà cao cửa rộng nhưng tôi không chịu. Vợ cũ cũng bảo về nhà để bà chăm. Nhưng thà sống xa nhau vậy lâu lâu gặp bền hơn ở chung nhà.
Nhạc sĩ Vinh Sử tên đầy đủ Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944 tại Sài Gòn trong gia đình có 4 anh chị em. Vì nghèo nên gần 10 tuổi ông mới được đi học. Ngoài “vua nhạc sến” người ta còn gọi ông là “nhạc sĩ của người nghèo”.
Ông có hàng trăm ca khúc bolero, trữ tình, âm hưởng dân ca… được yêu mến như: Nhẫn cỏ cho em, Làm dâu xứ lạ, Nhành cây trứng cá, Mưa bụi, Người phu kéo mo cau, Qua ngõ nhà em, Hai bàn tay trắng, Gõ cửa trái tim, Gái nhà nghèo, Chiều nước lũ…
Ngoài tên Vinh Sử, ông còn có các bút danh như: Cô Phượng, Chế Huyền Trân, Diễm Nhi, Đức Vượng, Hàn Ni, Ly Ca, Thục Chương, Linh Ngân...
|
Chất nhạc rất riêng biệt
Quang Lê từng biết và hát nhạc của chú Vinh Sử từ những ngày Lê chưa nổi tiếng. Hơn 10 năm hát nhạc Vinh Sử, Quang Lê đã thể hiện bài Gõ cửa trái tim, 0 giờ rồi, Nhẫn cỏ cho em, Làm dâu xứ lạ… Tất cả ca khúc của nhạc sĩ đều rất hay nhưng giá mà giọng Quang Lê có thể sướt mướt, sầu não hơn để phù hợp hát nhiều bài hơn. Chất nhạc của chú rất riêng biệt khó lẫn vào đâu. Nhiều bài Lê rất say mê nhưng đến giờ chưa dám hát vì sợ diễn tả không hết nội tâm làm người nghe thất vọng. Lê cũng đang thực hiện bài Chuyến xe lam chiều. Bài này vì lời của con gái hát cho con trai nên Lê muốn đổi lại vai trò người nam hát cho nữ.
Ca sĩ hải ngoại Quang Lê
Luôn nhiệt tình chỉ dẫn ca sĩ trẻ
Hằng biết nhạc của ông từ lâu nhưng khi tham gia Người kể chuyện tình mới được gặp nhạc sĩ Vinh Sử và hát bài của ông. Thể hiện bài của ông phải cảm hết cái hồn, ca từ giai điệu và cả hoàn cảnh ra đời bài hát mới thấm được. Hằng là người miền Bắc, lúc hát bài Tình chỉ đẹp khi còn dang dở (còn có tựa Tình chỉ đẹp) của ông cứ nghĩ chỉ cần dành hết tâm sức, tình cảm sẽ hát hay thôi. Bởi bài hát này của ông vốn dĩ quá hay rồi. Nhưng không, nhạc sĩ Vĩnh Sử dặn Hằng đây là bài mang màu sắc đặc trưng giọng miền Nam pha chút cải lương nữa. Mỗi khi gặp ông trong trường quay, nếu chưa rõ hay muốn thể hiện bài nào đó hay hơn, Hằng luôn hỏi và được ông nhiệt tình hướng dẫn. Nhạc sĩ nói chuyện rất thoải mái, hay đùa vui và kể những câu chuyện rất đời, dễ thương để mọi người cùng cười.
Quán quân Người kể chuyện tình 2018 Thu Hằng bolero
|
Bình luận (0)