Vua vọng cổ và những tác phẩm để đời: Huế tình yêu của tôi

19/03/2016 07:03 GMT+7

Sau 1975, nghệ sĩ Thanh Tuấn rất tâm đầu ý hợp với “bác Bảy” vì “ông già” viết cho anh nhiều bài hay, dù lúc nổi tiếng trước đó anh không làm việc nhiều với soạn giả Viễn Châu.

Sau 1975, nghệ sĩ Thanh Tuấn rất tâm đầu ý hợp với “bác Bảy” vì “ông già” viết cho anh nhiều bài hay, dù lúc nổi tiếng trước đó anh không làm việc nhiều với soạn giả Viễn Châu.

NSƯT Thanh Tuấn và NSƯT Thanh Kim Huệ trong vở 'Đường gươm Nguyên Bá' - Ảnh: H.KNSƯT Thanh Tuấn và NSƯT Thanh Kim Huệ trong vở 'Đường gươm Nguyên Bá' - Ảnh: H.K
Ông “đo ni” cho chất giọng miền Trung của Thanh Tuấn, trong đó có bài Huế tình yêu của tôi ngọt lịm và mơ màng như đất thần kinh.
Dân Quảng Ngãi mà hát vọng cổ tuyệt vời
Thử thống kê sẽ thấy, hầu hết các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng đều sinh ra tại miền Nam, đặc biệt là vùng Tây Nam bộ. Thế mà có một trường hợp ngoại lệ, đó là trường hợp của NSƯT Thanh Tuấn. Anh người gốc Quảng Ngãi, 14 tuổi lưu lạc vào Sài Gòn, làm phụ việc ở một tiệm thuốc bắc. Tuy vậy, anh vẫn không quên chất giọng của mình từng ca nhạc rất hay, được thu thanh trên Đài phát thanh Quảng Ngãi, nên lại tầm sư học đạo tiếp tục.
Lúc đó Sài Gòn là đất của cải lương, Thanh Tuấn thường vào rạp xem “cọp”, nên dần mê luôn cải lương. Thế là anh đi học cổ nhạc với thầy Út Trọn. Chỉ 3 tháng mà Thanh Tuấn học hết 3 nam 6 bắc, vọng cổ và nhiều bài bản khác, đặc biệt anh ca rất chắc nhịp khiến thầy Út Trọn vô cùng ngạc nhiên. Sau đó anh đến lò thầy Bảy Trạch bên Q.8, người vừa đào tạo Minh Vương đoạt danh hiệu Khôi nguyên vọng cổ. Thầy Bảy Trạch dạy anh đi sâu vào kỹ thuật ca cho từng nhân vật để sau này anh có thể làm kép biểu diễn đàng hoàng. Chưa hết, để nuôi ước mơ đi hát, Thanh Tuấn hằng đêm rảo hết các đoàn lắng nghe thật kỹ giọng của từng “ngôi sao” và về nhà tập dượt, quyết tâm tìm một chất giọng riêng cho mình.
Quả là xứng đáng. Chất giọng trầm đẹp như trải gấm, nhất là cách luyến láy lên bổng xuống trầm của Thanh Tuấn độc đáo không ai ngờ nổi. Người ta không hiểu thổ nhưỡng miền Trung đã nuôi nấng thế nào mà ra một giọng ca cải lương tuyệt vời như thế. Vậy là Thanh Tuấn trở thành kép chánh của nhiều đoàn, trong đó có Hương Mùa Thu và Kim Chung, sau 1975 thì Sài Gòn 2. Những dấu ấn không thể nào quên là Đường gươm Nguyên Bá, Người tình trên chiến trận, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa... Nhưng thực sự sau 1975 thì Thanh Tuấn mới có cơ hội làm việc với soạn giả Viễn Châu nhiều hơn.
Thương cái dấu nặng của miền Trung
Khi gặp Thanh Tuấn, Viễn Châu thường gật gù: “Bác Bảy thương cái dấu nặng miền Trung của con lắm nghen. Để tao viết cho mầy mấy bài có chỗ “xài” cái dấu nặng này”. Thế là ông “đo ni” cho anh những bài mà giọng miền Trung của anh trở thành “độc chiêu”.
Trong đó, bài Huế tình yêu của tôi cho tới bây giờ Thanh Tuấn đi sô vẫn hát lại hoài. Quả thật cái dấu nặng của xứ Huế và Quảng Ngãi có phần hơi giống nhau, nó làm cho bài vọng cổ mà Thanh Tuấn ca tự nhiên lắng xuống. Có những đoạn Thanh Tuấn ca hẳn giọng Huế luôn, nghe rất thích. Nghĩ cũng lạ, vọng cổ mà ca theo giọng bắc thì nhiều người nghe không quen, chưa chấp nhận, nhưng ca bằng giọng Huế thì lại hòa quyện vô cùng. “Tôi yêu những tiếng răng, rứa, mô, tê sao nhẹ nhàng êm dịu và chiếc nón bài thơ đón gió giữa kinh thành. Xứ Huế thân yêu đã rung cảm tim mình...”.
Hình như “bác Bảy” cũng như nhiều người miền Nam đã rất yêu xứ Huế qua những tiếng mô, tê, răng, rứa..., cho nên bác viết hẳn một đoạn như thế để tả tình yêu ấy, nhờ Thanh Tuấn chuyển tải giùm. Nghe mà yêu thật! Thanh Tuấn cười: “Bài này tôi không dám luyến láy nhiều, vì khi luyến láy, tung tẩy quá thì những dấu sắc, dấu hỏi sẽ lên rất cao, không ra chất Huế nữa. Cứ ca hơi mộc mạc là bác Bảy ưng ý. Ông già dễ chịu, nhưng trong nghề thì lại khó tính, mình phải nắm được cái hồn bài hát mà tác giả gửi gắm vào, ca cho đúng, chứ đừng khăng khăng “thi thố” chất giọng. Qua bài này, tôi rút ra một điều, là chất giọng dù hay đến đâu mà thi thố không đúng chỗ là tiêu luôn bài hát. Thật sự nghệ sĩ phải tôn trọng tác giả ở chỗ đó, chứ đừng nghĩ là ngôi sao rồi muốn ca sao thì ca, có khi phá hư tác phẩm của người ta. Và nghệ sĩ còn phải tri ân tác giả đã viết bài cho giọng ca mình nổi lên. Dù tôi đã nổi tiếng trước rồi, nhưng khi làm việc với bác Bảy tôi vẫn tri ân bác. Sau này, tôi còn nhờ bác viết cho mình hàng loạt bài mới để làm album. Một “ông lão” hơn 70 tuổi mà vẫn còn sáng tác rất hay, tôi nể phục quá!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.