Tôi đến Mỹ năm 1995 thuộc diện trâu chậm uống nước đục. Bạn bè chỉ dẫn tôi là nên đi học nail, tóc, skin care thì dễ kiếm việc hơn. Tôi chọn học nail vì số vốn tiếng Anh khiêm nhường của mình. Lúc mới đến, tôi chưa được nhìn thấy tận mắt một tiệm nail ở Mỹ, nên cứ tưởng tượng theo kiểu bên nhà là mình sẽ xách một cái giỏ, chứa vài trái chanh, cái thau nhựa, vài lọ nước sơn và dũa kềm là mình có quyền tà tà vô Phước Lộc Thọ hành nghề. Đâu biết rằng muốn làm nail thì phải có bằng. Học thì học. Tôi hiên ngang đi học, nói cho oai chứ học thì ít, karaoke với nhảy đầm và đi ăn quà vặt thì nhiều. Vậy mà tôi cũng đoạt được cái bằng manicurist và sau này là cái bằng tóc nữa.
Chân dung chủ tiệm nail
Chủ tiệm nail đa số là những người từng đi làm thợ, khi tay nghề đã cao, lăn lộn trong nghề nhiều năm, có vốn họ tự mở tiệm hoặc hùn hạp chung nhau. Số chủ tiệm nail còn lại là những người có tiền, làm business thấy tiệm nail cũng có ăn bèn nhào theo mở tiệm. Thường thì chủ tiệm đã từng làm thợ họ dễ thông cảm cho thợ, ít "đì" thợ và công bằng hơn. Cũng có những tiệm chủ là hai vợ chồng, thợ là mẹ vợ, em chồng, chị vợ v.v... Loại tiệm này, thợ người ngoài thường bị ngồi chơi xơi nước hơn là làm việc. Tuy nhiên cũng có nhiều người chủ rất tốt, có tiệm chủ sẽ chia 7/3 cho thợ nào làm trên 5 năm mà built được nhiều khách hàng, rồi lễ lạt tết nhất họ cũng quà cáp hậu hĩ cho thợ.
Chân dung khách
Khách Mỹ vào tiệm nail để làm đẹp cho đôi chân và đôi bàn tay, ngoài ra họ còn được thưởng thức 5, 7 phút xoa bóp kèm theo. Tại Cali với giá cả nhẹ nhàng (vùng Orange County) họ chỉ phải trả trung bình từ 18 - 20 đô la cho cả hai thứ và trung bình thêm tiền tip 2 - 3 đô la. Vùng tôi làm loại khách giàu như luật sư, bác sĩ, chơi stock chỉ cho tip theo 15% như khi đi ăn nhà hàng. Đàn ông vô tiệm nail tưởng là sộp nhưng thực ra có đến 90% được xếp vào loại không rộng rãi. Thỉnh thoảng cũng có khách sang thứ thiệt để lại tiền tip 5, 10 đô la, nhưng cũng có khách sang “không thiệt” sau khi về nhà mới sực nhớ là cho tip quá nhiều bèn quay lại tiệm yêu cầu trả lại.
Khách Việt Nam vô tiệm nail không nhiều, vì đa số thích làm theo kiểu ở bên nhà là cắt khóe thật sâu, nhưng ở Cali luật của state board cấm không được cắt khóe, việc này dành cho bác sĩ chuyên về chân.
Chân dung thợ nail
Quả thật, tiệm nail là một hiệp chủng quốc thu nhỏ, Bắc Trung Nam lẫn lộn, có người trước khi đi vô ngành nail đã từng là cô giáo, y tá, luật sư, cũng có người buôn bán chợ trời, cũng có kẻ hiền, người dao búa, có con lai và con không lai, có người lừng lẫy với dĩ vãng vàng son, có người dĩ vãng không son cũng không vàng như tôi.
Sau đây tôi xin kể lại chuyện tôi đi làm nail.
Tiệm thứ nhất
Tiệm này có tên L Nails, rất sạch sẽ, lịch sự. Thời điểm đó mới có những cái spa chair thì tiệm này đã có đầy đủ, có phòng ăn cho thợ, phòng chứa khăn, máy giặt, máy sấy. Cô chủ thuộc diện sang trọng, không ở trong nghề nail, có đi học đại học nhưng khi buồn buồn cô cũng đập bàn đá ghế, thường thường cô nổi giận là phải có cái gì đó bị bể. Tiệm này có cái lối chia khách rất ngộ. Thợ đến tiệm ghi tên trên tờ giấy, cô chủ sẽ theo đó chia khách theo thứ tự trước sau, ai tới trước làm trước, ai tới sau làm sau. Làm xong thợ phải lên ghi tên lại để lấy tour khác. Kiểu ghi tên này khiến cho thợ hối hả cố làm cho khách thiệt lẹ đặng còn lên ghi tên tiếp. Làm ăn gấp gáp vậy, dĩ nhiên là tiệm sẽ mất khách. Không có khách thì thợ cũng sẽ bỏ đi cho nên tiệm này thợ luôn luôn mới, không ai ngồi quá một tháng. Tiệm càng ngày càng thưa khách, thợ tản mát đi kiếm chỗ khác. Tôi cũng phải đi thôi. Dù sao đây cũng là nơi đầu tiên cho tôi hành nghề, khách hàng của tôi cũng là những nhân vật nổi tiếng như anh Kobe Bryan của đội Lakers, anh Bob Saget và 3 cô con gái nhỏ xinh xắn của show "Funiest Home Video", em gái hỏa diệm sơn Jenny Mc Caney của MTV, bà má vợ của ca sĩ Elvis Presley...
Tiệm thứ hai
Tiệm này chỉ có 4 thợ và tôi, 2 cô thợ có vẻ như là tay chân của bà chủ, coi tiệm từ sáng đến 2 giờ chiều. Tiệm chia khách theo luật... rừng. Ngày đầu tiên bước chân vào tiệm là tôi đã cãi rồi. Theo lời bà chủ, tiệm này mở trên 13 năm, tiệm chật chội tăm tối, bàn ghế cũ rích, dây điện lòng thòng mọi chỗ, không có máy giặt máy sấy (những ngày khăn không đủ xài cho khách, bà chủ bắt lấy khăn dơ lên làm cho khách khác), bàn thờ Phật lớn tổ chảng nhang khói um lên như một cái am cộng thêm một cái bàn thờ thần tài Thái Lan ở góc tiệm ngày đêm nhá đèn đỏ xanh thấy mà ớn.
Chỉ trong vòng 10 ngày, tôi thấy mình không thể ngồi làm ở đây được.
Tiệm thứ ba
Ngày đầu tiên đến tiệm này, cảm giác đầu tiên làm cho tôi dễ chịu là những bức tranh nghệ thuật treo trên tường và thái độ nhã nhặn của cô chủ, khác xa 2 bà chủ cũ của tôi. Tiệm có tất cả 10 thợ. Cô chủ có tài ngoại giao, rất lịch sự đối với cả khách lẫn thợ. Khách chỉ cần phật ý một chút là cổ tặng cho một cái phiếu miễn phí cho kỳ tới. Càng ngày khách càng đông. Có khi số thợ lên đến 30. Dàn thợ rất giỏi và chủ lịch sự thành ra khách họ cũng quảng cáo thêm cho bạn bè bà con tới. Thợ tiệm này được cô chủ nhắc nhở không được nói chuyện bằng tiếng Việt khi làm cho khách, thành ra khách cảm thấy an tâm, không nghĩ mình bị nói xấu ngay trước mặt. Tôi tưởng đâu mình đã tạm ở đây lâu dài, ai ngờ.
Cô chủ sau 3 năm gầy dựng cơ sở này đã bung ra mở thêm vài tiệm nữa, thế là tiệm tôi đang làm được giao cho một cô manager trời ơi đất hỡi quản lý. Cô này đem tay chân gồm chị em bạn bè vào quậy tơi bời trong tiệm vốn dĩ được xem là một tiệm nail lịch sự, hiền hòa. Tiệm trở thành tạp nhạp như một cái chợ chiều. Những ngôn ngữ vô văn hóa tuôn ra như suối.
Có lần, một cô khách người Á châu, mới nhìn ai cũng tưởng là người Mễ, khi làm xong một bộ móng chân tay cô thợ đem tiền thối lại cổ cất vào ví và không để lại tiền tip. Thế là 2 cô thợ ào lên: "Cái con quỷ nhỏ này nó không biết thế nào là thủ tục đầu tiên". Ai ngờ cổ giống Mễ mà là người Việt, cổ nói với cô bạn cùng đi: "Tụi nó đang chửi tao bằng tiếng Việt".
Một lần khác, có cô khách rất to con, trắng như người Nhật, vào làm một cái pedicure. Cô thợ vừa ngồi xuống đã la lên "Trời ơi nhỏ này nó ăn cái gì mà chân nó hôi quá dzậy nè". Cô khách đỏ cả mặt lên và nói giọng Việt Nam lơ lớ "xin lỗi chị". Thế là mọi người đều bẽ bàng.
Rồi đùng một cái, tiệm bị kiểm tra. Cả bầy thợ chạy nháo nhác tán loạn lo đi dọn dẹp đồ đạc thì đã trễ. Thế là bị phạt nặng. Nhẹ nhất là người lãnh 200 đô, có người 400 đô. Cả tiệm lẫn chủ và thợ gần 5.000 đô la chưa kể chờ ra tòa vì tội tiệm sử dụng nước liquid bị cấm và bột không ghi rõ nơi sản xuất.
Sau đó, tiệm bị đóng cửa. Bọn thợ tôi từ giã nhau không trống, không kèn, không party chia tay. Tội cho cô chủ công lao gây dựng một tiệm nail ngon lành. Dù sao tôi cũng xin cám ơn cô chủ vì những ngày vui vẻ làm việc với cô và những người thợ hiền lành, biết điều.
Giã từ biển, ngày mai về lại quê nhà Little Saigon, mua báo đọc tiếp mục rao vặt.
T.L
(trích từ Cali Today)
Bình luận (0)