Sáng kiến của Philippines về việc định ra những khu vực tranh chấp và không tranh chấp ở quần đảo Trường Sa theo Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) được đưa ra và nhận được sự ủng hộ tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44) tại Bali, Indonesia hồi tháng 7.2011.
Theo đề xuất của Manila, những khu vực tranh chấp với tên gọi Vùng Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác (ZoPFF/C) sẽ là nơi các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đồng thực hiện những dự án khai thác. Trong khi những khu vực không tranh chấp đương nhiên thuộc quyền tài phán của mỗi quốc gia có chủ quyền theo UNCLOS. Và một khi ZoPFF/C hình thành, các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn sẽ phải rút lực lượng vũ trang của mình ra khỏi vùng này, và thay thế bằng các lực lượng dân sự thực hiện các dự án thăm dò, diễn tập phòng chống thiên tai…
Phát biểu khai mạc cuộc họp kín từ 22-23.9, Phó tổng thống nước chủ nhà Jejomar Binay cho rằng: “Bằng cách làm đó, rào cản ngăn các bên tiến tới các dự án đồng hợp tác trên biển Đông từ trước đến nay sẽ hoàn toàn được tháo bỏ”. Ông cũng khẳng định: “ASEAN là một nhất thể với niềm tin rằng công pháp quốc tế sẽ cung cấp những chuẩn mực khách quan và ổn định, đưa tới một giải pháp hữu hiệu trong vấn đề biển Đông”.
Báo Sun Star của Philippines ngày 22.9 dẫn lời ông Binay nói rằng việc ASEAN ủng hộ Philippines về ZoPFF/C “có thể sẽ khiến Trung Quốc tiết giảm những hoạt động quân sự ngày càng gia tăng trên biển Đông”. Hãng tin AP trích lời hai quan chức ngoại giao Philippines đề nghị giấu tên nói rằng Bắc Kinh phản đối cuộc họp này. “Bắc Kinh cũng đặt câu hỏi tại sao ASEAN lại can dự vào cuộc tranh chấp mà trong đó phần lớn số thành viên không có tuyên bố chủ quyền đối với biển Đông”, hai người này cho biết.
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn muốn giải quyết vấn đề biển Đông theo kiểu song phương với từng quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, ASEAN đã liên tục xác định tại cuộc họp quốc tế lập trường đa phương, trong đó ASEAN là một khối thống nhất. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, nước đang giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN - ông Marty Natalegawa - đã khẳng định trong cuộc họp báo kết thúc AMM 44 rằng ASEAN đồng thuận trong vấn đề biển Đông và cùng phản đối tuyên bố chủ quyền 9 đoạn của Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao Nhật Bản vừa có những cuộc thảo luận với phía Philippines về vấn đề giải tỏa căng thẳng trên biển Đông, nơi mà nước này không có tuyên bố chủ quyền. “Chúng tôi không thành lập liên minh để chống lại Trung Quốc mà mục tiêu là xây dựng một mối quan hệ cùng có lợi”, Đại sứ Nhật tại Manila Toshinao Urabe giải thích. Ông Urabe khẳng định Nhật Bản “có lợi ích chính đáng đối với sự an toàn trên biển và các vấn đề đang diễn ra”. 88% lượng dầu khí tiêu thụ ở Nhật được nhập từ Trung Đông qua ngả biển Đông, chưa kể các hoạt động xuất nhập khẩu khác. Hãng AP hôm 21.9 dẫn lời một quan chức Philippines cho hay nước này đề xuất cùng với Nhật Bản thành lập một “nhóm công tác thường trực” để cùng xử lý tranh chấp và các vấn đề an ninh biển khác trong khu vực ASEAN. Phía Nhật cũng cam kết sẽ thường xuyên trao đổi và hỗ trợ Philippines nhằm đảm bảo tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, theo công pháp quốc tế. |
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Bình luận (0)