Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bị 'tùng xẻo'

20/04/2014 03:10 GMT+7

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình vừa phát hiện một vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đến nay, vẫn chưa có phương án xử lý số gỗ lớn lâm tặc bỏ lại.

 Lực lượng kiểm lâm đo đếm số gỗ bị khai thác trái phép tại rừng Phong Nha - Kẻ Bàng
Lực lượng kiểm lâm đo đếm số gỗ bị khai thác trái phép tại rừng Phong Nha - Kẻ Bàng

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, từ cuối tháng 9.2013, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (BQL) phát hiện sự việc và báo cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Sau đó, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu BQL kiểm tra, đo khối lượng gỗ bị khai thác trái phép, xác định mức độ thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh; bố trí lực lượng bảo vệ, giữ nguyên hiện trường. Thế nhưng, đến giữa tháng 2.2014, BQL vẫn không thực hiện yêu cầu của Chi cục Kiểm lâm.

Trong một động thái khác, Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm H.Minh Hóa phối hợp chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường khu vực rừng bị chặt phá. Theo báo cáo ban đầu của Hạt Kiểm lâm H.Minh Hóa, mức độ rừng bị tàn phá rất nghiêm trọng. Chi cục Kiểm lâm đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo BQL khẩn trương vào cuộc.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, BQL chủ trì tổ chức đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, đo đếm vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.2014. Kết quả, tại khu vực hang địa chất (xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa) có 32 cây gỗ bị đốn hạ, còn nguyên cây tại hiện trường, chủ yếu là gỗ vàng tâm (nhóm 4) và gỗ giổi (nhóm 3); tổng lượng gỗ tròn đo đếm được là hơn 125 m3. Tại khu vực Ma Dính 1 (xã Hóa Sơn, H.Minh Hóa) có 19 cây gỗ bộp, giổi, dạ ran, trò (trong đó 9 cây nằm ngoài lâm phận VQG, ở khu vực tiếp giáp VQG) cũng còn nguyên chưa bị cưa xẻ; tổng lượng gỗ tròn hơn 63 m3.

Theo BQL, vì khu vực có gỗ nằm sâu trong rừng và địa hình núi đá vôi hiểm trở, trong khi gỗ thuộc loại thông thường nên nếu tiến hành thu hồi sẽ tốn nhiều thời gian, nhân lực, kinh phí... Mặt khác, với lượng nhân lực khá lớn ở lâu ngày trong rừng để cưa xẻ gỗ cùng tiếng ồn từ hoạt động cưa xẻ sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái trong khu vực, không đảm bảo các yêu cầu quản lý đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Ngoài ra, việc cưa xẻ, vận chuyển với số lượng gỗ lớn có thể tạo dư luận không tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng di sản và nhận thức của người dân địa phương. Thế nên, BQL đề nghị UBND tỉnh áp dụng biện pháp tiêu hủy tại chỗ toàn bộ số gỗ nói trên mà không tổ chức thu hồi như dự kiến ban đầu.

Trong khi đó, theo một cán bộ kiểm lâm, việc tiêu hủy cũng khiến rừng đặc dụng bị ảnh hưởng vì khối lượng quá lớn. Vị cán bộ này cũng nhận định với khối lượng gỗ bị chặt phá đó thì những người quản lý trực tiếp sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Trương Quang Nam

 >> Bắt 15 xe ở “chợ gỗ lậu” Phong Nha - Kẻ Bàng
 >> Cận cảnh gỗ lậu "nhộn nhịp" ở Phong Nha - Kẻ Bàng
 >> Xét xử 12 người chặt hạ 3 cây huê cổ thụ ở Phong Nha - Kẻ Bàng
 >> Sử dụng trực thăng để cứu nạn ở Phong Nha - Kẻ Bàng
 >> Vì sao cả làng cùng phá rừng?

Theo BQL, vì khu vực có gỗ nằm sâu trong rừng v

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.