Vướng mắc giãn thuế thu nhập cá nhân

17/03/2009 22:17 GMT+7

Dù thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang trong thời gian giãn nộp nhưng một số vướng mắc nảy sinh khiến người nộp thuế, cán bộ thuế không biết phải xử lý như thế nào.

Nơi trả, nơi không 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thực hiện chi trả thu nhập cho người lao động (NLĐ) và chịu trách nhiệm nộp thuế TNCN thay cho NLĐ đang bối rối không biết nên giữ lại số tiền thuế TNCN hay chi trả số thuế này cho NLĐ. Phó tổng giám đốc một bệnh viện nước ngoài tại TP.HCM nói: "Tôi cũng có nghe thông tin xử lý phần thuế TNCN được giãn mà công ty có trách nhiệm trả cho NLĐ. Tuy nhiên, có công ty (là đơn vị đóng thuế TNCN cho người lao động - PV) được giữ lại số thuế TNCN được giãn; nhưng có doanh nghiệp thì trả cho NLĐ. Chúng tôi không biết phải thực hiện theo hướng nào". Nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng khó khăn này. 

Theo công văn trả lời của Cục Thuế TP Hà Nội gửi Công ty TNHH KPMG: "Trường hợp công ty ký hợp đồng với NLĐ trả lương sau thuế thì phải quy đổi thành thu nhập trước thuế của NLĐ…; trong thời gian được giãn thuế TNCN (từ ngày 1.1.2009 đến 31.5.2009) công ty không được giữ số thuế TNCN của những đối tượng được giãn nộp thuế mà chuyển cho cá nhân cùng thu nhập chi trả". Còn theo trả lời của bà Trần Thị Lệ Nga - Trưởng phòng Tuyên truyền và hỗ trợ Cục Thuế TP.HCM, đối với trường hợp doanh nghiệp trả lương không có thuế TNCN thì khoản thuế TNCN do các doanh nghiệp trả thay cho NLĐ, chính vì vậy trong thời gian được giãn nộp thuế TNCN thì NLĐ vẫn nhận đủ toàn bộ khoản lương theo hợp đồng đã thỏa thuận. Riêng khoản thuế TNCN nếu theo thỏa thuận tại hợp đồng là của doanh nghiệp thì khoản thuế này doanh nghiệp được giữ lại. 

Phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán lớn cho hay đây là lần đầu tiên Nhà nước thực hiện giãn thuế TNCN nên có một số tình huống xảy ra. Hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và NLĐ đã quy định doanh nghiệp trả phần thuế TNCN thì dù thuế có tăng hay giảm, doanh nghiệp đó cũng phải chịu. Còn NLĐ có lập luận theo lý của họ là khoản thuế này trợ cấp cho NLĐ tiêu xài nên họ được nhận. Tuy nhiên về lý trên hợp đồng lao động, doanh nghiệp cũng được giữ lại phần thuế TNCN được giãn này. Vấn đề ở đây là hai bên nên ngồi lại thỏa thuận với nhau.  Trong công văn 807 hướng dẫn giãn thời hạn nộp thuế TNCN ngày 10.3 của Tổng cục Thuế có quy định: đối với trường hợp NLĐ nhận lương không bao gồm thuế TNCN thì số thuế TNCN đơn vị chi trả thu nhập nộp thay cũng thuộc đối tượng được giãn nộp thuế TNCN. Nhưng công văn không đề cập đến vấn đề "tiền thuế" này do đơn vị chi trả thu nhập giữ lại hay NLĐ được giữ.  

Người nước ngoài có được giãn thuế? 

Luật Thuế TNCN đưa ra tiêu thức cư trú hay không cư trú áp dụng thống nhất cho cá nhân là người Việt Nam và người nước ngoài. Cá nhân cư trú phải đáp ứng điều kiện là có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam; hoặc có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn. 

Theo một cán bộ thuế ở TP.HCM, nhiều người nước ngoài hiểu rằng chỉ cần có hợp đồng thuê nhà từ 90 ngày trở lên thì dù có ở Việt Nam ít ngày cũng được xem là đối tượng cư trú. Khi được xem là đối tượng cư trú thì liên quan đến việc kê khai thu nhập toàn cầu và được giãn thuế TNCN đang được thực hiện. Nhiều người nước ngoài đang rất quan tâm đến vấn đề này. Tại công văn 807 có quy định: "Đối với cá nhân là người nước ngoài rời Việt Nam trước ngày 30.6.2009 sẽ không được giãn thời hạn nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, từ chuyển nhượng bất động sản, từ trúng thưởng, từ nhận thừa kế, từ quà tặng không phân biệt người nước ngoài đó là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú". Nhưng làm sao xác định được người nước ngoài sẽ rời hay không rời Việt Nam trước hay sau ngày 30.6.2009 mà không thực hiện giãn thuế TNCN? 

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.