Ngoài những hệ thống hang động kỳ vĩ lung linh đẳng cấp thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ở Quảng Bình còn được xem là “vương quốc linh trưởng” bởi ở đó có nhiều loài linh trưởng nhất VN.
Các cá thể voọc gáy trắng và chà vá chân nâu được gắn thiết bị theo dõi để chuẩn bị thả về môi trường tự nhiên tại PN-KB - Ảnh: T.Q.N |
Phong phú và quý hiếm
Số liệu từ BQL Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết hoang mạc đá vôi khổng lồ này là ngôi nhà của 819 loài động vật có xương, bao gồm 153 loài thú, 303 loài chim, 151 loài bò sát và lưỡng cư, 212 loài cá; có 84 loài động vật hoang dã quý hiếm có tên trong sách đỏ VN, 106 loài có tên trong sách đỏ IUCN.
Đặc biệt, nơi đây có 10 loài và phân loài linh trưởng, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở VN; trong đó, có 3 loài linh trưởng nguy cấp trên phạm vi toàn cầu là voọc gáy trắng, voọc chà vá chân nâu và vượn đen má trắng.
Cụ thể các loài ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và mức độ quý hiếm như sau: culi lớn (họ culi, nhóm IB), culi nhỏ (họ culi, nhóm IB), khỉ đuôi lợn (họ khỉ, nhóm IIB), khỉ mốc (họ khỉ, nhóm IIB), khỉ vàng (họ khỉ, nhóm IIB), khỉ mặt đỏ (họ khỉ, nhóm IIB), vọc đen tuyền (họ khỉ, nhóm IB), voọc gáy trắng (họ khỉ, nhóm IB), Voọc chà vá chân nâu (họ khỉ, nhóm IB), vượn đen má trắng (họ vượn, nhóm IB).
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Phạm Nhật, năm 1998, ước tính có khoảng 570 - 670 cá thể voọc gáy trắng ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; nhiều đàn còn phân bố ở vách đá ven đường Hồ Chí Minh. Khảo sát năm 2011 cho kết quả loài này phổ biến nhất trong các loài linh trưởng ở vườn quốc gia này. Nhiều đoàn làm phim đã ghi hình ảnh loài voọc này trong rừng. Xếp thứ 2 là khỉ mốc. Tiếp đến chà vá chân nâu, ước tính có khoảng 500 cá thể vào năm 1998.
Bảo tồn bằng sự thân thiện
Vì đặc tính đặc biệt của những loài này và độ quý hiếm nên nó luôn đối mặt với nhiều nguy cơ săn bắt, xâm hại. Đàn linh trưởng ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng không nằm ngoài những nguy cơ trên. Theo bác sĩ thú y Trần Ngọc Anh, Phó giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng), có 10 con linh trưởng quý hiếm với 4 loài đang được cứu hộ, chăm sóc tại trung tâm.
Mỗi chú linh trưởng suy kiệt, bị thương hoặc còn nhỏ được trung tâm tiếp nhận vào sẽ được phẫu thuật chữa trị vết thương, chăm sóc phục hồi cho khỏe mạnh, nuôi dưỡng hòa nhập với cộng đồng; khi đã khá hơn, linh trưởng được thả vào khu nuôi thả bán hoang dã và sau đó thả trở về lại với môi trường tự nhiên.
Khi tôi và anh Trần Ngọc Anh bước vào khu nuôi dưỡng, mấy chú khỉ trong lồng sắt nhận ra “người nhà” nên con nào con nấy nhảy ngược nhảy xuôi, mắt đảo liên tục như để chào hỏi. Thấy tôi và anh Ngọc Anh quan tâm, chụp ảnh liên tục với 1 con khỉ khác, chú khỉ mặt đỏ ở cách đó 2 chuồng lập tức thể hiện thái độ bực bội, lồng lộn kêu rít, gãi đầu gãi chân liên tục. Ngọc Anh bảo, nó đang cố gây sự chú ý đó. Cách đó không xa, một chú khỉ vàng 4 tháng lại hồn nhiên như đứa trẻ và rất tình cảm.
Thấy Ngọc Anh đi tới, nó thò chân trước ra để bắt tay với ánh mắt rất trìu mến; ở bên ngoài, Ngọc Anh cười cười nụng nịu trở lại khiến chú càng thích thú hơn, nó quay vào trong chậu đựng nước tắm nằm ngửa phơi bụng và 4 chân lên trời đầy sảng khoái.
“Hẳn các anh phải có tình yêu động vật mới làm được”, nghe tôi bảo thế, Trần Ngọc Anh cười tủm tỉm nói: “Đúng rồi, chăm sóc động vật khó lắm, nhất là mấy chú khỉ, vì nó rất khôn, có tình cảm, thái độ gì đó thể hiện rõ lắm và lại vừa trải qua quá trình bị hành hạ. Mình không chân thành với nó là nó nhận ra ngay, nó không thích thì không chịu hợp tác với mình và như thế quá trình cứu hộ khó hơn, sức khỏe nó chậm hồi phục hơn; rất khó để chăm sóc, vừa nịnh nọt chiều ý nó phải vừa cứng rắn rèn luyện tập tính cho nó”.
Bình luận (0)