Cách đây gần 10 năm, lúc con tôm sú bắt đầu "đỏng đảnh" thì con tôm hùm trở thành cứu cánh của người nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên. Nhiều hộ đã bỏ hồ chuyển sang làm lồng nuôi tôm hùm. Chẳng bao lâu sau, nghề này phát triển mạnh khắp các vùng ven biển của huyện Sông Cầu và được mệnh danh là "vương quốc tôm hùm" lớn nhất duyên hải miền Trung.
Thế nhưng, dịch bệnh hoành hành khiến con tôm hùm trở thành nỗi ám ảnh của người nuôi. Trong những ngày này, ven vịnh Xuân Đài (Sông Cầu) vẫn còn cảnh người nuôi tôm hùm đứng ngồi vây quanh nơi thả lồng nuôi tôm với tâm trạng buồn bã. Chủ nhân những lồng tôm hùm mắt đau đáu nhìn vô hồn xuống mặt nước, không biết khi kiểm tra lồng sẽ có bao nhiêu con chết, bao nhiêu con "lờ đờ"! Ông Phan Vân Đô, ở xã Xuân Thọ 1 (Sông Cầu) thở dài: "Lũ tôm đang phát triển sởn sơ bỗng nhiên bỏ ăn, lăn đùng ra chết phơi trắng bụng trong lồng. Những người nuôi tôm hùm chúng tôi sắp tàn mạt đến nơi rồi". Nhiều người quanh đó đều kêu trời trước thảm trạng tôm chết hàng loạt. Hộ may mắn lắm, ngày chết vài ba con. Hộ xui rủi, ngày chết vài chục con. Hầu hết những lồng tôm ở vùng ven vịnh Xuân Đài đều được thả nuôi gần một năm, tôm đạt trọng lượng 0,6-0,7 kg/con, chưa kịp đến tay thương lái đã bị "tử thần" cướp mất. Tôm chết, những hộ nuôi cũng muốn "chết" theo!
Theo tính toán, để đầu tư nuôi 1.000 con tôm hùm cần có số vốn gần 100 triệu đồng. Trong nhiều năm liền, hiệu quả kinh tế của nuôi tôm hùm rõ rệt, làm giàu cho nhiều người nên dù không sẵn tiền, họ vẫn mạnh dạn vay mượn để đầu tư nuôi tôm hùm. Nay chưa kịp thu hoạch thì tôm chết, họ đứng trước nguy cơ vốn mất, nợ mang. Ông
Cách khắc phục duy nhất hiện nay của người nuôi tôm hùm ở Phú Yên là bán đổ, bán tháo lũ tôm còn sống dưới bè. Đây là cách gỡ gạc chút vốn liếng không ngừng bị hao hụt. Ông Phạm Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sông Cầu cho biết: "Đến đầu tháng 3.2007, đã có hơn 83.000 con tôm hùm bị chết, thiệt hại hơn 30 tỉ đồng. Một con số quá sức chịu đựng của người nông dân. Nhưng điều đáng lo ngại là dịch bệnh đang có dấu hiệu tiếp tục lan rộng ở các vùng nuôi tôm hùm khác". |
Sau khi kiểm định xác tôm chết, kết quả ban đầu mà Phòng nghiên cứu bệnh thủy sản và dự báo thuộc Viện Nghiên cứu thủy sản 3 (Khánh Hòa) đưa ra: Vi khuẩn Vibrio Fluvialis trên gan tụy tôm và ký sinh trùng vi bào tử trùng (Microsporidia) chính là "thủ phạm" gây tử vong cho tôm. Ông Nguyễn Văn Do, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên cho biết thêm: "Do mật độ nuôi quá dày nên tầng đáy của nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng. Trong khi đó, từ trước đến nay người nuôi tôm hùm ở Sông Cầu nuôi theo cách thả lồng sát đáy nước, tôm đã chịu ảnh hưởng trực tiếp sự ô nhiễm của nguồn nước nên phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngoài những loại thức ăn công nghiệp, người nuôi tôm ở Sông Cầu còn cho tôm ăn những loại thức ăn tươi. Nguồn thức ăn này trước khi đến với người nuôi tôm hầu hết đã bị ươn thối hoặc nhiễm khuẩn nên đã gây hại cho tôm hùm. Các loại thức ăn đóng bao dành cho tôm cũng không được thật sự an toàn. Thế nhưng để kiểm tra, ngăn chặn các loại thức ăn công nghiệp không đủ chất lượng lưu hành trên thị trường là vấn đề nan giải của ngành chức năng".
Vũ Đình Thung
Bình luận (0)