Vuột cơ hội ở thị trường chất lượng cao

28/01/2013 03:15 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia, không ít thị trường nước ngoài sẵn sàng trả hàng ngàn USD/tháng cho những lao động VN có tay nghề hoặc trình độ cao. Thế nhưng phía Việt Nam không đáp ứng được…

Theo nhiều chuyên gia, không ít thị trường nước ngoài sẵn sàng trả hàng ngàn USD/tháng cho những lao động VN có tay nghề hoặc trình độ cao. Thế nhưng phía Việt Nam không đáp ứng được…

Cử nhân tiếng Anh cũng “rớt dài dài”

Ông Trần Văn Thạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Suleco (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) thông tin: “Năm 2012, phía đối tác ở Singapore đề nghị chúng tôi tuyển 50 lao động sang bên đó làm việc. Người đăng ký rất nhiều nhưng khi phỏng vấn trực tiếp thì bị rớt dài dài, chủ yếu do tiếng Anh không đạt, kể cả những cử nhân về tiếng Anh. Cuối cùng, đối tác chỉ chọn được 3 người”.

 

Chúng tôi đăng thông tin tuyển rầm rộ trên báo và nhiều kênh khác đối với những thị trường “ngon” như Nhật hay chương trình kỹ sư ở Hàn Quốc nhưng vẫn rất khó tuyển được

Theo ông Thạnh, thị trường Singapore thường tuyển lao động vào vị trí trợ lý hay quản lý, chứ không chuộng lao động phổ thông. Vì vậy, họ đòi hỏi ứng viên đã tốt nghiệp đại học và phải có trình độ tiếng Anh khá cao. Bù lại, người lao động có mức thu nhập cao (lương ròng khoảng 2.000 USD/tháng), có cơ hội để học hỏi, thăng tiến nghề nghiệp...

Ông Thạnh cho hay, những thị trường thu nhập cao và đầy tiềm năng như Úc, New Zealand cũng yêu cầu lao động tốt nghiệp đại học ở những chuyên ngành kỹ thuật cao. Tuy nhiên, số ứng viên đạt tiêu chuẩn cũng rất ít ỏi.

Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch Sovilaco (thuộc Bộ LĐ-TB-XH) - ông Vũ Minh Xuyên, khẳng định rằng thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản hiện rất có tiềm năng. Ông Xuyên phân tích: “Trước đây, lao động Trung Quốc xuất sang Nhật rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do quan hệ giữa hai nước Trung Quốc - Nhật Bản không thuận lợi nên số lượng lao động Trung Quốc dường như không sang Nhật nữa. Mặt khác, người Nhật cũng thận trọng hơn với lao động Trung Quốc. Cuối năm 2012, rất nhiều đối tác của Nhật sang đặt hàng với Công ty Sovilaco và nhiều đơn vị xuất khẩu lao động khác để tuyển dụng lao động VN. Chính vì vậy, năm 2013 được xem là cơ hội lớn cho lao động VN sang Nhật làm việc”. Dẫu vậy, ông Xuyên tỏ ra thất vọng: “Chúng tôi đăng thông tin tuyển rầm rộ trên báo và nhiều kênh khác đối với những thị trường “ngon” như Nhật hay chương trình kỹ sư ở Hàn Quốc nhưng vẫn rất khó tuyển được”.

 Chuyên gia nước ngoài (thứ tư từ trái sang) kiểm tra tay nghề của ứng viên VN trong diện xuất khẩu lao động  - Ảnh: Như Lịch
Chuyên gia nước ngoài (thứ tư từ trái sang) kiểm tra tay nghề của ứng viên VN trong diện xuất khẩu lao động  - Ảnh: Như Lịch 

Chủ động trang bị kiến thức

Sau mấy năm làm công nhân điện tử trong KCX Tân Thuận - TP.HCM, chị Phạm Thị Nghiên (26 tuổi, quê Bến Tre) quyết chí thay đổi cuộc đời bằng cách đăng ký đi lao động ở Nhật. Chị Nghiên bày tỏ: “Những người bạn của tôi đã sang Nhật làm việc kể rằng bên đó người ta trả lương cao hơn nhiều nước khác. Trong đó, mức lương ban đầu từ 20 - 25 triệu đồng/tháng”. Chị Nghiên cho biết, chị đã chủ động học tiếng Nhật cùng một số kỹ năng cần thiết suốt mấy tháng qua. Song song đó, chị cũng đang chuẩn bị hoàn tất chương trình học liên thông tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM…

Trải qua 4 năm làm việc ở Nhật, anh Nguyễn Hồng Phúc (ngụ P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất của người lao động khi mới sang nước ngoài làm việc là bất đồng ngôn ngữ. Theo quan sát của anh Phúc, nhiều người lao động VN hay có thói quen sĩ diện. Nhiều khi có những cái họ biết chưa đến nơi đến chốn nhưng không dám nói ra vì sợ người ta đánh giá mình dở. Đến khi bắt tay vào làm không được, dễ bị phía chủ khiển trách.

Để có thể nắm bắt cơ hội ở những thị trường chất lượng cao, ông Vũ Minh Xuyên (Công ty Sovilaco) lưu ý người lao động VN cần khắc phục một tâm lý cố hữu, đó là: sau khi tốt nghiệp đại học, thường chỉ thích ngồi chỉ đạo, chứ không muốn bắt đầu từ người thợ. Trong khi đó, theo ông Xuyên, các đối tác ở những thị trường này luôn cần những người thực sự có tay nghề, chứ không đặt nặng về lý thuyết.

Đưa 85.000 người làm việc ở nước ngoài

Năm nay, Bộ LĐ-TB-XH đặt chỉ tiêu đưa 85.000 người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Trong đó, dự kiến thị trường Đài Loan có khả năng tiếp nhận hơn 20.000 lao động VN, Nhật Bản khoảng 9.000 người...

Theo một cán bộ thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), muốn tăng số lượng lao động đi nước ngoài làm việc thì phải nâng chất công tác tuyển chọn và đào tạo. Đặc biệt, chất lượng người lao động cần được chú trọng nâng cao ở cả 3 yếu tố: kỹ năng tay nghề, ngoại ngữ và tác phong làm việc.

Như Lịch - Lê Thanh

>> Cử nhân luật làm việc gì, ở đâu?
>> Tuyển nhiều lao động làm việc ở nước ngoài
>> Làm việc ở công ty đa quốc gia Mỹ
>> Tình nguyện viên Nhật Bản làm việc tại Đồng Nai
>> Cơ hội làm việc tại Nhật Bản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.