Vượt lên chính mình để hành trình vào lịch sử

02/07/2012 14:45 GMT+7

Năm 25 tuổi, nhân duyên tốt đẹp nào đã đưa nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dấn thân hẳn vào hành trình của một trí thức yêu nước? Câu trả lời phần nào được chính cụ bộc lộ qua cuộc tiếp xúc gần đây nhất, lúc cụ vừa bước qua tuổi 92 thượng thọ…

Cụ kể, vào những năm giữa thập niên 1940, những người “có ăn học” mà theo đạo Công giáo như cụ tìm đến với cách mạng không được suôn sẻ như những người khác. Nhưng cụ và một người bạn thân là anh Nguyễn Mạnh Hà đã vượt qua tất cả để hướng đến tiếng gọi chống ngoại xâm, giành độc lập.

Vượt lên chính mình để hành trình vào lịch sử -
Cụ Nguyễn Đình Đầu cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập: “Người sở hữu bộ sưu tập
bản đồ quý hiếm nhất về chủ quyền Việt Nam” - Ảnh: Giao Hưởng
 

 
Là chủ nhân của “lò luyện sử” đặt tại nhà riêng của mình ở đường Thủ Khoa Huân, P.Bến Nghé, Q.1, TP. HCM, cụ Nguyễn Đình Đầu đã nhiều năm âm thầm vượt qua những hạn chế về điều kiện sinh hoạt để cùng các cộng sự thực hiện công trình dịch thuật, biên tập, đánh máy, cho ra đời bộ sách đồ sộ nghiên cứu có hệ thống về địa bạ triều Nguyễn và được trao Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu. Cụ cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập: “Người sở hữu bộ sưu tập bản đồ quý hiếm nhất về chủ quyền Việt Nam” - trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

“Sau Cách mạng tháng Tám 1945, anh Hà làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong chính phủ Bác Hồ, tôi làm Bí thư phụ tá anh Hà từ buổi đầu thành lập Bộ. Bác Hồ đã tiếp nhận và giao trọng trách cho chúng tôi, không chú tâm phân biệt xuất xứ nọ kia. Một buổi trưa, tôi đến Bắc Bộ phủ để nhận sứ vụ lệnh của Bác trực tiếp đưa. Ra về, thực hiện nhiệm vụ, tôi được Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc đó là ông Phạm Văn Đồng giúp đỡ, yêu cầu giám đốc kho bạc Hải Phòng trao hết tiền quan kim hiện có và một số bạc loại 500 đồng Đông Dương để tôi đi mua gạo, cung cấp cho quân đội Tưởng Giới Thạch đang ở Việt Nam để giải giáp Nhật. Nhưng một tháng sau, do khúc mắc nảy sinh nên tôi bị giữ lại ở Tổng hành dinh của quân Tưởng, cùng với Đổng lý văn phòng Bộ Kinh tế Vũ Đình Khoa. Lúc ấy tướng Tiêu Văn làm phụ tá cho tướng Lư Hán dọa sẽ giam chúng tôi nếu không bổ túc đủ số lương thực mà họ nêu ra. Đang lo lắng, bỗng thấy Bác Hồ bước lên cầu thang, vào nói chuyện với Tiêu Văn khoảng nửa giờ bằng tiếng Hoa một cách lưu loát, điềm tĩnh, rồi đứng dậy. Tướng Tiêu Văn cúi đầu chào Bác kính cẩn. Bác quay lại bảo tôi và Vũ Đình Khoa cùng về với Bác và nhẹ nhàng an ủi tôi trước khi bước lên xe. Tôi nhớ mãi thái độ ân cần đó của Bác, biểu lộ một cách chân tình niềm thân ái và tin tưởng vào những người Công giáo hướng về dân tộc, trở thành một trong những mối duyên để tôi bước tiếp cuộc hành trình”.

Sau chuyện kể trên đúng 30 năm, theo nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc, thì cụ là một trong những “chứng nhân của lịch sử”, góp phần vào sự kiện 30.4.1975 trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc?

- Chuyện đó dài lắm. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại một nhân vật cũng là đồng đạo với tôi là luật sư Nguyễn Văn Huyền – người đã đứng ra tự nguyện bào chữa bênh vực cho ông Hà Huy Tập, Tổng bí thư của Đảng Cộng sản, ngay giữa phiên tòa của thực dân Pháp. Sau này, ông Huyền trở thành thủ lĩnh của Luật sư đoàn Sài Gòn, nguyên Chủ tịch Thượng viện, rồi trong những giờ phút cam go nhất, vào sáng 29.4.1975, khi cùng tôi ngồi trên một chiếc xe chạy trên đường Hồng Thập Tự, tức đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay, ông Huyền nói với tôi một câu bằng tiếng Pháp: “Il faut se rendre”, có nghĩa là “Phải đầu hàng thôi!”. Ông nói chính quyền Dương Văn Minh thành lập không phải để đối đầu với cách mạng mà để hòa giải dân tộc, vì thế ông đã tham gia vào chính quyền đó với vai trò là “Phó tổng thống đặc trách hòa đàm”.

Theo tôi, ông Huyền đã vượt lên những rào cản cá nhân để đi đến quyết định sáng suốt cùng ông Dương Văn Minh tránh được cuộc đổ máu không đáng có…

Sáng tạo vì khát vọng Việt
Sáng tạo vì khát vọng Việt - Cà phê Trung Nguyên

Hồng Hạc
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.