Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng
Theo Sở Công thương tỉnh Cà Mau, tình hình chế biến và xuất khẩu mặt hàng tôm 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả rất khả quan và tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng tôm ước đạt hơn 107.000 tấn (tăng 9,5%); sản lượng tôm chế biến ước đạt 85.250 tấn (tăng hơn 21%). Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm ước đạt 400 triệu USD, tăng 16,6% so cùng kỳ năm 2020.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, Cà Mau có nhiều lợi thế về nuôi trồng và khai thác thủy sản; trong đó ngành tôm là ngành kinh tế mũi nhọn. Cà Mau là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Cà Mau và một số thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc… được kiểm soát tốt. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng tôm cho phân khúc nhà hàng và dịch vụ thực phẩm được dần hồi phục và tăng cao. Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục thuận lợi do nhiều nước sản xuất tôm cạnh tranh vẫn đang còn gặp khó khăn vì dịch Covid-19 (như Ấn Độ, Thái Lan…).
|
Dự báo tăng trưởng theo kế hoạch
Hiện nay, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là cú hích rất lớn cho kinh tế Việt Nam, trong đó có Cà Mau. Đây là điều kiện khách quan thuận lợi mới, nhất là xuất nhập khẩu sẽ có thêm nhiều thị trường để phát triển tốt hơn trong thời gian tới. Những lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết tiếp tục tạo nhiều thuận lợi khi kim ngạch xuất khẩu tôm qua các thị trường tăng cao.
Hiện tỉnh có trên 40 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó 32 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Tổng công suất đạt 250.000 tấn/năm. Sản phẩm tôm chế biến của tỉnh có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đã xuất khẩu trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; các doanh nghiệp đã tranh thủ nắm bắt được những cơ hội, ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do trên để tăng cường xuất khẩu.
Theo Sở Công thương tỉnh Cà Mau, ước 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau vào các nước thành viên EVFTA tăng 148,56% so với cùng kỳ; các nước thành viên CPTPP tăng 9,8%... Do đó, Cà Mau kỳ vọng với các cơ chế thuận lợi do các FTA mang lại sẽ giúp cho các doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó Cà Mau sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển kinh doanh, xuất khẩu vào các thị trường mới có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, cũng nhìn nhận: Tuy có những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, nhưng tình hình dịch Covid-19 trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành nên đã tác động trực tiếp hoạt động xuất khẩu tôm Cà Mau. Các doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn về vận chuyển hàng hóa do thiếu container, cước phí tàu tăng… Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm cũng như kiểm dịch. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu tôm của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia… Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tổ chức các đoàn đi xúc tiến nước ngoài gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình này, giải pháp trong thời gian tới của tỉnh là sẽ xúc tiến bằng hình thức trực tuyến với các nhà phân phối, doanh nghiệp nước ngoài để giúp doanh nghiệp tìm kiếm nhiều khách hàng mới, giới thiệu sản phẩm… Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 24.3.2021, Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 26.3.2021 và Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 23.5.2020 về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa tỉnh...
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các cơ quan, ban, ngành, dự báo kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau từng bước được cải thiện. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của tỉnh sẽ đạt kế hoạch đề ra, dự báo đạt khoảng trên 1,1 tỉ USD, tăng 8,3% so với năm 2020; trong đó mặt hàng tôm đạt hơn 1 tỉ USD.
Bình luận (0)