|
Xã đảo Tân Hiệp bao gồm cụm đảo Cù Lao Chàm với 8 đảo lớn nhỏ: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông cách đất liền (Cửa Đại, Hội An) khoảng 15 km. Hiện nay, dân số trên các hòn đảo này có khoảng gần 3.000 người với 560 hộ.
Đa phần người dân sống bằng nghề đi biển, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, hầu như phụ thuộc lớn từ bên ngoài. Theo lãnh đạo xã Tân Hiệp vào mùa mưa bão, người dân trên đảo Cù Lao Chàm sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Sóng to gió lớn, không một tàu vào ra. Những lúc đó, mọi nguồn lương thực, thực phẩm tích trữ gần như bị cạn kiệt, cuộc sống người dân càng trở nên khó khăn hơn. Theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp do mấy năm gần đây, Cù Lao Chàm đẩy mạnh phát triển du lịch nên cuộc sống có phần được cải thiện.
Tuy nhiên, cũng như nhiều vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khác, điều mà lãnh đạo chính quyền địa phương trăn trở nhất là vấn đề làm sao đó để giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững. Hiện nay nhắc đến đảo Cù Lao Chàm người ta thường nghĩ ngay đến một địa điểm du lịch hấp dẫn, tuy nhiên, không phải người dân nào sống trên đảo cũng kiếm được thu nhập từ các nghề dịch vụ phục vụ du lịch. Hầu hết người dân sống bằng ngư nghiệp, tuy vậy, do điều kiện kinh tế khó khăn nên họ chỉ có những phương tiên đánh bắt hải sản gần bờ, thu nhập rất bấp bênh.
Theo nhiều cán bộ, giáo viên phản ánh, từ năm 2010, khi Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, không chỉ có những người công tác trong ngành GD-ĐT mà ngay cả công chức địa phương đều tỏ ra băn khoăn không biết vì sao xã đảo Tân Hiệp không thuộc vùng được thụ hưởng chính sách nêu trên. Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (xã đảo Tân Hiệp) có gần 30 năm công tác trên đảo bày tỏ: “So với địa bàn vùng bãi ngang, vùng sâu, vùng xa, thì xã đảo Tân Hiệp có những điều kiện hết sức khó khăn và đặc thù.
Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà những người giáo viên tham gia giảng dạy trên đảo lại không được hưởng chế độ thu hút 70% theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP?”. Vấn đề này giáo viên, đội ngũ công chức đang công tác trên đảo đã nhiều lần kiến nghị với Phòng GD-ĐT, lãnh đạo TP.Hội An nhưng đến nay vẫn không được giải đáp. Trong khi đó, theo Phòng LĐ-TBXH và Phòng Tài chính TP.Hội An cho biết là một xã đảo nhưng hiện xã Tân Hiệp được hưởng các chính sách theo một xã miền núi. Vấn đề bấp cập này HĐND tỉnh Quảng Nam đã biết và đang có kế hoạch giải quyết.
Theo ông Nguyễn Dương Triều, Trưởng ban Văn hóa - xã hội (HĐND tỉnh Quảng Nam), trước đây không biết lý do gì mà xã Tân Hiệp không được xác lập là một xã đảo. Ông Nguyễn Dương Triều cho biết thêm: “Hiện tại, ý kiến đưa xã Tân Hiệp vào thụ hưởng chế độ chính sách của một xã đảo đã được HĐND Quảng Nam đưa vào chương trình nghị sự trong kỳ họp thứ 12, khóa 8 sắp đến và sau đó sẽ tiến hành đề xuất với Chính phủ đưa xã đảo Tân Hiệp thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc này không chỉ có ý nghĩa về nhiều mặt, mà còn trực tiếp động viên, chia sẻ thiệt thòi đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung và cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp... đang công tác ngoài đảo nói riêng”.
Phan Đại Khải
>> Mở rộng không gian du lịch tại đảo Cù Lao Chàm
>> Bí ẩn Cù Lao Chàm
>> Biến rác thải thành phân vi sinh tại Cù Lao Chàm
Bình luận (0)