Lũ rút, hàng trăm ha lúa màu của xã Tượng Sơn trơ ra bạc phếch - ảnh: Ngọc Minh |
Chiều 13.9, chúng tôi chứng kiến sự thẫn thờ, lo lắng của người dân thôn Kén khi mùa màng bị thiên tai cướp sạch. Con đường liên xã về thôn Kén vẫn còn nhiều chỗ ngập trong nước, hai bên đường những ruộng lúa đang kỳ phơi màu, giờ bạc phếch, héo rũ với bùn đất bám đầy, đổ rạp từng khoảnh.
Mùa màng mất sạch
Chị Nguyễn Thị Sơn, ở thôn Kén, than thở: “Nhà có hai sào ruộng với 4-5 miệng ăn, mùa màng mất sạch, không biết từ giờ đến tết chúng em lấy chi để ăn đây”. Còn ông Phạm Văn Cao, cũng ở thôn Kén, nói: “Năm nào cũng vậy, hễ có mưa to là nơi đây lại chìm ngập trong biển nước, đường sá đi lại khó khăn, hoa màu mất trắng, nên người dân chúng tôi khổ lắm. Đợt này mưa lớn, chúng tôi cũng chủ động đề phòng, nhưng do hồ Yên Mỹ xả lũ trong đêm mà không báo trước, nên lũ về sầm sập lúc nửa đêm, khiến người dân bất ngờ. Mọi thứ trong nhà đều bị ngập, hư hỏng hết…”.
Ông Cao chính là chủ nhân ngôi nhà tranh chìm trong nước mà Thanh Niên đăng trong số ra ngày 13.9. Từ hôm lụt đến giờ, mỗi ngày ông lại lóp ngóp ra đồng đánh lưới, kiếm ít cá về cải thiện bữa ăn. Còn mấy đứa con thì thay nhau mang can nhựa vào tận các thôn gần núi để xin nước về sinh hoạt, bởi nguồn nước giếng nhà hiện đã bị ô nhiễm, không dùng được.
Thôn Kén có 124 hộ. Đây là thôn có tỷ lệ hộ nghèo thuộc loại cao nhất huyện Nông Cống. Nhìn cảnh đám trẻ con theo người lớn đến nhận mì tôm cứu trợ đứng kín sân nhà ông trưởng thôn, cũng đủ thấy người dân ở đây vẫn còn nhiều gian nan, vất vả lắm.
Mong một con đê
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Cư, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, cho biết với tình trạng mất mùa do mưa lũ như hiện nay, chắc chắn trong những tháng tới, người dân ở các thôn Kén, thôn Bòng và thôn Cát Lễ sẽ thiếu đói gay gắt. Vì vậy, chính quyền địa phương mong mỏi cấp trên sớm cân đối để giúp người dân ở đây chống đói từ nay đến tết.
Để bảo đảm đời sống ổn định cho người dân, nhiều lần xã Tượng Sơn đề nghị được đầu tư đắp một con đê dọc sông Thị Long dài khoảng 3 km để bảo vệ các thôn Bòng, thôn Kén, thôn Cát Lễ và 370 ha đất canh tác nông nghiệp của Tượng Sơn, nhưng đến nay đề nghị này vẫn chưa được giải quyết. “Chúng tôi sống ở vùng lòng chảo, bị kẹp giữa ba bề là hồ Yên Mỹ và 2 con đê của huyện Nông Cống, huyện Tĩnh Gia. Từ nhiều năm nay cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn vào mùa mưa lũ. Năm ngoái hồ Yên Mỹ xả lũ không những gây thiệt hại mùa màng mà còn làm chết 3 cháu học sinh, năm nay lại thế này. Dân chúng tôi khổ lắm”, ông Cư than thở.
Thêm 2 người bị lũ cuốn trôi Hôm qua tại Lâm Đồng, ông Ngô Xuân Hiển - Chủ tịch UBND H.Cát Tiên cho biết đã tìm thấy thi thể anh Đặng Văn Đoàn (21 tuổi, ở xã Nam Ninh, H.Cát Tiên). Vào ngày 8.9, khi nước lũ dâng cao, anh Đoàn đi đánh cá và mất tích. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn của huyện phát hiện thi thể anh Đoàn ở suối Đạ Lây, cách nhà anh khoảng 1 km. Đây là nạn nhân thứ 3 bị thiệt mạng trong đợt mưa lũ vừa qua ở Lâm Đồng. Trong khi đó tại Nghệ An mưa lũ làm thêm một người chết do bị nước cuốn, nâng số người chết trong đợt mưa lũ này lên 4 người. Nạn nhân là cháu Trương Hữu Hiếu (5 tuổi, ở xã Long Sơn, H.Anh Sơn), rơi xuống mương nước và bị cuốn trôi. Tính đến chiều qua, tại Nghệ An, mưa lũ đã làm 11 ngôi nhà bị trôi, 17 nhà bị sập, 1.105 nhà bị ngập nước, 83 nhà bị sạt lở, 14 nhà phải di dời. Mưa lớn đã nhấn chìm 12.197 ha lúa, 6.108 ha ngô và hoa màu. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết từ hôm nay 14.9, Bắc Bộ cơ bản hết mưa, ở Bắc Trung Bộ mưa tiếp tục giảm nhưng vẫn duy trì trong 2 - 3 ngày nữa. Theo ông Tăng, trong ngày hôm qua, lũ thượng các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An đang xuống nhưng lũ ở hạ nguồn vẫn lên chậm. Dự báo hôm nay 14.9, lũ hạ du các sông ở hai tỉnh nêu trên sẽ đạt đỉnh và xuống dần nhưng còn ở mức cao, cần chủ động đề phòng các tai nạn liên quan đến nước cuốn trôi, sạt lở đất. Q.Duẩn - K.Hoan - L.Viên |
Ngọc Minh
Bình luận (0)