(TNO) Người dân trên hòn đảo Catalina, miền tây nước Mỹ, đã rất kinh ngạc khi phát hiện xác một con cá mái chèo cực hiếm trôi dạt vào bờ biển. Sinh vật bí ẩn này sống sâu dưới đáy đại dương, hình thụ kì dị của nó đã thêu dệt nên rất nhiều truyền thuyết về loài rắn biển, Daily Mail đưa tin.
Con cá mái chèo trôi dạt vào bờ đảo Catalina, miền tây nước Mỹ - Ảnh chụp màn hình Daily Mail |
Xác con cá được tìm thấy ở hòn đảo Catalina, cách thành phố Los Angeles, bang California khoảng 35 km về phía tây nam vào hôm 1.6. Người đầu tiên phát hiện là một cảnh sát tuần tra biển.
Chiều dài cơ thể con vật khoảng hơn 5 m. Tuy nhiên, xác con cá cũng không còn nguyên vẹn, nó đã biến dạng và đang làm mồi cho bầy hải âu, theo Daily Mail.
Bà Annie MacAulay, người sáng lập Mountain & Sea Adventures, một tổ chức phi lợi nhuận giúp nâng cao ý thức bảo vệ mội trường của người dân, cho biết đây là lần thứ hai bà nhìn thấy cá mái chèo ở đảo Catalina trong suốt 20 năm qua.
Cá mài chèo thường sinh sống ở vùng tối tăm dưới đáy biển, có thể sâu đến 1.000 m. Chính vì sống ở nơi sâu thẳm và rất ít khi trồi lên mặt biển nên con người hiếm khi nào nhìn thấy.
Kích thước đồ sộ của con cá mái chèo - Ảnh chụp màn hình Daily Mail
|
Kích thước một con cá mái chèo có thể đạt hơn 17 m, nặng khoảng 270 kg và là loài cá biển sâu có xương sống dài nhất thế giới. Chúng có chiếc vây lưng màu đỏ thẩm chạy dọc cơ thể.
Cá mái chèo thường chỉ ngoi lên mặt nước khi sắp chết hoặc bị bệnh. Chính tập tính này khiến các nhà khoa học rất khó nghiên cứu về loài cá kì lạ này.
Vào năm 1772, nhà sinh vật học người Na Uy Peter Ascanius đã phát hiện con cá mái chèo khổng lồ lần đầu tiên. Tên khoa học chính thức của nó là Regalecus glesne, nhưng cũng có người gọi nó là cá mái chèo Thái Bình Dương.
Bình luận (0)