Xăng dầu tăng giá, mức đóng bảo hiểm tăng, đẩy CPI tăng

29/07/2024 10:29 GMT+7

Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 7 tăng.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước.

Xăng dầu tăng giá, mức đóng bảo hiểm tăng, đẩy CPI tăng- Ảnh 1.

Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới là một trong những yếu tố góp phần làm tăng CPI tháng 7

TN

So với tháng 12.2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%. Tháng 7, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá; riêng nhóm bưu chính, viễn thông giá không đổi so với tháng trước.

CPI bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 4,12% so với cùng kỳ năm 2023. So với cùng kỳ năm trước, khác với xu hướng của năm 2023, CPI các tháng nửa đầu năm 2024 có xu hướng tăng. Từ mức 3,37% trong tháng 1 lên mức cao nhất 4,44% vào tháng 5; sang tháng 6, mức tăng CPI còn 4,34% và tháng 7 tăng 4,36%.

CPI tháng 7 tăng 0,48%

Nguyên nhân chủ yếu do trong năm học 2023 - 2024, một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã tăng mức học phí theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh; giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế; bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở.

Ngoài ra, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%).

Điều này chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Báo cáo giữa năm về triển vọng kinh tế của Việt Nam vừa được Citibank công bố cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 2 đã tăng 6,93% so với cùng kỳ năm ngoái, khẳng định khả năng hồi phục bền vững của nền kinh tế.

Tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đi cùng xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ ở mức 17% so với cùng kỳ năm ngoái là những động lực chính kéo tăng trưởng quý 2 đạt mức ấn tượng.

Ông Helmi Arman, Kinh tế trưởng về kinh tế Việt Nam của Citibank, cho biết Citibank đã dự đoán áp lực tăng chi phí trong lĩnh vực công nghiệp sẽ bình thường trở lại vào năm 2024, với lạm phát có thể duy trì ở mức 3,5 - 4%. Mặc dù lạm phát giá lương thực trong tháng 6 khá cao, ảnh hưởng đến chỉ số chung nhưng lại được cân bằng bởi đà giảm của giá nhiên liệu.

Các chuyên gia kinh tế của Citibank vẫn lạc quan rằng tỷ lệ lạm phát còn ít dư địa để tiếp tục tăng. Có thể có những điều chỉnh về giá điện trong nước, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn cầu yếu hơn dự kiến có thể dẫn đến khả năng giảm giá dầu vào nửa cuối năm 2024 và năm 2025.

Điều này sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, giá gạo giảm ở các nước láng giềng có thể làm giảm nhu cầu xuất khẩu gạo của Việt Nam, dẫn đến lạm phát giá lương thực trong nước giảm.

"Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế của Citibank không cho rằng mức lạm phát mục tiêu 4,5% sẽ bị phá vỡ, mặc dù lạm phát nền có thể tăng khi nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi. Nhìn về tương lai, Citibank đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 từ 6% lên 6,4%", ông Helmi Arman nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.