Theo quan sát của chúng tôi, việc bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội vẫn diễn ra bình thường trong buổi sáng hôm nay (28/4) sau quyết định tăng giá xăng dầu đầy "bất ngờ" tối qua.
Bên cạnh việc giải thích bằng miệng với khách hàng, cửa hàng xăng dầu số 4, thuộc Xí nghiệp Xăng dầu, Công ty Xăng dầu khu vực 1 (số 9 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) còn cho dán Quyết định tăng giá xăng dầu của Giám đốc công ty xăng dầu khu vực 1.
Một nữ nhân viên của cửa hàng cho biết chính các nhân viên cũng khá bất ngờ trước quyết định tăng giá xăng dầu. Người nhân viên này cũng khẳng định sau khi nhận được thông báo về việc tăng giá xăng dầu tối qua, cửa hàng chỉ tạm dừng bán trong ít phút để tiến hành kiểm kê và điều chỉnh giá mới. “Không hề có hiện tượng người dân đổ xô đến mua tích trữ xăng dầu trước giờ xăng tăng giá” - Chị nhân viên cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên cửa hàng xăng dầu số 4 Petrolimex đường Láng, Hà Nội cũng cho biết các nhân viên của cửa hàng đều đã được nhận chỉ thị phải giải thích rõ nguyên nhân của việc tăng giá đối với các khách hàng có thắc mắc. “Hầu hết khách hàng đến mua xăng tại cửa hàng đều bất ngờ trước việc xăng dầu tăng giá. Trước khi có thông tin về việc tăng giá xăng dầu lượng khách mua xăng tại cửa hàng vẫn bình thường. Không có hiện tượng người dân đổ xô tới mua hàng can lớn xăng như những lần có thông tin về việc tăng giá xăng trước đây” - Chị Hoa cho biết.
Một nhân viên của Cửa hàng xăng dầu chất đốt Trần Khát Chân, thuộc Công ty Xăng dầu chất đốt Hà Nội (Petec), cho biết lượng hàng bán ra trước thời điểm xăng dầu tăng giá tối qua vẫn bình thường, không có sự tăng đột biến.
Sinh viên, lái xe ôm… méo mặt
Việc tăng giá xăng được coi là khá bất ngờ đối với người dân dù trước đấy, ngày 25/4, ông Hoàng Thọ Xuân - Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước đã khẳng định chắc như đinh đóng cột tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước rằng sẽ không tăng giá xăng. Ông Xuân cũng tuyên bố có nhiều cách để xử lý trước việc xăng dầu thế giới tăng giá chứ không nhất thiết phải tăng giá xăng dầu trong nước.
Phạm Thị Minh Phương, sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội than: “Em quả thật bất ngờ trước quyết định tăng giá xăng. Trước đó đọc báo vẫn thấy bảo xăng dầu không tăng giá cơ mà. Nhà em cách trường gần 10km chưa kể mỗi ngày em còn phải đi học thêm và làm một số việc khác. Mỗi lít xăng giờ lên đến 11.000 đồng, tăng 1.500 đồng/lít thì chắc em phải đi xe buýt”. Nhiều bạn sinh viên cũng “méo mặt” khi được hỏi về ảnh hưởng của việc tăng giá xăng.
Xăng, dầu tăng giá cũng khiến những người lái xe ôm không khỏi lo lắng. Anh Nguyễn Văn Thùy, lái xe ôm ở đường La Thành cho biết giá xăng tăng thì chắc chắn giá đi xe ôm cũng sẽ phải tăng. “Mấy lần trước xăng dầu tăng giá buộc cánh lái xe ôm chúng tôi cũng phải tăng giá theo. Mỗi lần giá xăng dầu tăng, lượng khách đi xe ôm ngày càng ít đi trong khi người lái xe ôm ngày càng đông hơn, kiểu này đến chết đói, chuyển nghề mất thôi” - Anh Thùy than thở.
Không chỉ sinh viên, cánh lái xe ôm "méo mặt" mà nhiều công chức văn phòng cũng than trời khi biết tin giá xăng dầu tăng. Việc tăng 1.500 đồng/lít xăng cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với những người nhà ở cách xa cơ quan.
Kể từ cuối năm 2004 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tới 6 lần (5 lần tăng và 1 lần giảm). Kể từ đợt tăng giá ngày 29/3/2005 đến nay, giá xăng RON 92 đã tăng 3.000 đồng/lít; xăng RON 90 tăng 2.000 đồng/lít; dầu diezen tăng 1.400 đồng/lít. Theo tính toán, với mức giá 9.500 đồng/lít như trước khi tăng giá, dù đã được giảm thuế, các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn bị lỗ cụ thể là xăng lỗ 1.000 đồng/lít, Diezen lỗ 1.900 đồng, Mazut lỗ 1.167 đồng/lít. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đã bị lỗ hàng chục tỷ đồng.
Theo Phạm Tuyên/báo Tiền Phong
Bình luận (0)