Xăng dầu tăng giá, thị trường dao động mạnh

28/04/2006 23:56 GMT+7

Từ 20 giờ tối 27/4, giá xăng đã tăng 1.500 đồng/lít; dầu diesel tăng 400 đồng/lít. Đợt tăng giá xăng dầu lần này không thể tránh khỏi những tác động lớn đến đời sống người dân, các ngành sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành dịch vụ vận tải.

Doanh nghiệp vận tải cố "gồng"

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về ảnh hưởng của việc giá xăng dầu tăng, chủ một doanh nghiệp (DN) tư nhân có đội xe khách chạy liên tỉnh và xe taxi hoạt động tại TP.HCM cho biết, mỗi ngày đội xe của DN tiêu thụ khoảng 5.000 lít dầu và 600-700 lít xăng. Với mức tăng giá xăng dầu như hiện nay, mỗi ngày DN phải bù lỗ trên 3 triệu đồng, mỗi tháng mất trên 60 triệu đồng. Bây giờ có muốn tăng giá cước vận tải cũng không được, vì phải thông qua hiệp thương, mà hiệp thương để có giá mới phải mất vài tháng. Đại diện DN vận tải và thương mại Thuận Thảo cũng cho biết dù giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến DN nhưng cước xe khách liên tỉnh trong thời điểm này không thể tăng lên được. Riêng đối với xe taxi, chi phí nhiên liệu là do tài xế chịu. Nhưng trước tình hình giá xăng tăng cao, DN Thuận Thảo phải tăng tiền hỗ trợ cho tài xế từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/xe/ngày. Phó tổng giám đốc Công ty Vinasun, kiêm Giám đốc hãng Taxi Vinasun (TP.HCM) nói: "Công ty không có ý định tăng giá cước taxi, vì nếu mình tăng giá mà DN bạn không tăng

Giá tour và hàng hóa sau lễ sẽ tăng

Nhiều công ty lữ hành tại TP.HCM cho biết các chương trình du lịch dịp lễ 30/4-1/5 đã được ký hợp đồng từ trước nên việc tăng giá xăng không ảnh hưởng gì đến giá tour. Tuy nhiên vào sau lễ, việc giá tour tăng là không thể tránh khỏi do giá thuê xe chắc chắn sẽ tăng. Ước tính với mức tăng giá thuê xe khoảng 10% sẽ kéo giá tour tăng từ 3-5%.

Theo Ban quản lý chợ Bình Tây, trong thời gian tới chắc chắn khoảng 75% mặt hàng tại chợ sẽ tăng giá do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng làm tăng chi phí vận chuyển. Một số tiểu thương kinh doanh tại các chợ đầu mối khác như Trần Chánh Chiếu, Hóc Môn, Thủ Đức... cũng dự đoán tương tự. (C.Nhi)

thì sẽ mất khách".

Tại Đà Nẵng, giá cước của các hãng taxi Sông Hàn, Mai Linh... vẫn được giữ nguyên và có khả năng qua dịp lễ 30/4 và 1/5 này mới được điều chỉnh. Tương tự, dù số lượng các tuyến xe và hành khách tăng lên từ 15 đến 20% vào dịp lễ nhưng giá xe khách vẫn chưa tăng.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó giám đốc Xí nghiệp bến xe tàu phà Cần Thơ cho biết: "Giá vé tàu, xe từ Cần Thơ đi tất cả các tuyến vẫn không thay đổi". Theo ông Mạnh, cuối năm 2005 vừa qua, xí nghiệp đã tổ chức hội nghị hiệp thương giá cước vận tải năm 2006 cho các tuyến ở khu vực ĐBSCL và 6 tỉnh, thành phố lân cận. Hội nghị đã thống nhất từ 1/1/2006 tăng bình quân 18% giá cước vận tải hành khách. Việc điều chỉnh tăng giá cước như vậy đã có dự trù các khoản chi phí về nhiên liệu, phụ tùng thay thế... có thể tăng. Vì vậy lần này giá xăng tăng nhưng không đơn vị vận tải nào được đơn phương tăng giá cước, nếu có gì khó khăn đều phải thông qua cơ quan quản lý bến xem xét.

Tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), các tàu cao tốc đi Phú Quốc như: Biển Xanh, Dương Đông, Hải u, Superdong ... vẫn giữ nguyên giá vé từ 150.000 - 160.000đ/vé. Hiện nay, tất cả các chuyến tàu cao tốc tuyến Rạch Giá - Phú Quốc - Rạch Giá đều đã bán hết vé các ngày 29 - 30/4.

Hoạt động vận tải hàng hóa chịu tác động lớn do giá dầu tăng. Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM - ông Nguyễn Ngọc Lự nói: "Lẽ ra Nhà nước không nên tăng giá dầu, vì đây là nhiên liệu của hầu hết các ngành kinh tế, trong đó có vận tải hàng hóa và vận tải hành khách công cộng. Trừ xe taxi, xe du lịch chạy xăng, còn lại hầu hết xe vận tải, tàu hỏa, tàu thủy... đều chạy dầu. Tăng giá dầu tức là tăng giá đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất, nó ảnh hưởng rất lớn đến sự cạnh tranh của hàng hóa trong nước". Ông Lự đề nghị Nhà nước chỉ nên tăng giá xăng, thậm chí có thể tăng thật cao để bù giá dầu.

Giá cả tăng mãi, lòng dân không yên !

Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH:  “Theo tôi nghĩ, ta là nước nhập khẩu hoàn toàn xăng, dầu nên giá cả rất phụ thuộc vào giá dầu của thế giới. Nhưng mặt khác, ta cũng là nước xuất khẩu dầu nên cũng dành một phần đáng kể từ lợi nhuận tăng thêm do việc xuất khẩu dầu để còn bao cấp một phần cho giá dầu diesel phục vụ các ngành sản xuất, dầu hỏa... phục vụ cho một số đối tượng như các hộ gia đình vùng sâu, vùng xa. Tuy giá dầu lần này tăng ở mức hạn chế (400 đồng/lít) để tránh tác động lớn cho các ngành sản xuất, nhưng nhìn chung giá cả cứ tăng mãi thì lòng dân không yên”.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam:

“Giá xăng, dầu tăng thì chính người nghèo là chịu tác động đầu tiên. Người làm công ăn lương trong bộ máy Nhà nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nếu tiền lương không kịp thời điều chỉnh”.

M.Vọng - M.Quân - T.Trang - P.Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.