Ông Trần Thế Nghĩa - chủ nhiệm Hợp tác xã Xe khách Trung Nam có khoảng 210 đầu xe chạy hơn 30 tuyến trên cả nước cho biết sẽ phụ thu 8% ngoài giá vé trên tất cả các tuyến. Riêng các tuyến thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước, Xe khách Trung Nam phụ thu 10% mới hy vọng bù đủ chi phí xăng dầu, vì xe đi từ TP.HCM đến tỉnh này phải qua đến 5 trạm thu phí. "Có thể giá vé sẽ tiếp tục được điều chỉnh nếu giá nhiên liệu còn leo thang", ông Nghĩa khẳng định.
Đối với Doanh nghiệp tư nhân Rạng Đông, do có phòng vé riêng và được quyền tự bán vé nên có phần chủ động hơn. Ông Nguyễn Thanh Tâm - chủ doanh nghiệp này cho hay vừa đề nghị Sở GTCC TP.HCM cho phép tăng thêm 2.000 đồng/ vé từ TP.HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại. Giá vé tuyến TP.HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay từ 28.000 - 33.000 đồng, trong đó khách được phục vụ nước suối và khăn lạnh. Riêng lộ trình TP.HCM - khu vực Tây Nguyên, Xe khách Rạng Đông sẽ thu thêm 7% giá vé, tương đương 5.000 đồng/khách mỗi lượt. Mức thu này chỉ áp dụng với khách mua vé giá 95.000 đồng, vé loại 120.000 đồng thì không tính phụ thu.
* Vietnam Airlines có thể tăng giá vé nội địa. Một cán bộ có trách nhiệm của Vietnam Airlines cho biết, hãng này đang tính toán đến việc đề nghị Chính phủ cho phép phụ thu thêm 50.000 đồng/vé đối với các đường bay nội địa. Theo Vietnam Airlines, giá nhiên liệu tăng từ đầu năm đến nay đã khiến chi phí nhiên liệu của hãng bị tăng thêm trên 500 tỉ đồng so với kế hoạch đặt ra. Nếu được phụ thu thêm 50.000 đồng/vé trên các chặng bay nội địa, Vietnam Airlines cũng chỉ bù đắp được một phần nhỏ chi phí (khoảng 50 tỉ). Một hướng khác cũng được Vietnam Airlines tính đến là kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh mức giá trần. Mức giá trần cao hơn hiện nay sẽ giúp Vietnam Airlines linh hoạt hơn trong việc điều tiết các mức giá vé. (M.Xuân) |
Theo Công ty cổ phần Vận tải Sài Gòn - đơn vị có hơn 100 xe đang hoạt động trên các tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây - hằng tháng, công ty tiêu thụ khoảng 95.000 lít dầu và 40.000 lít xăng, giá xăng dầu tăng sẽ làm tăng chi phí của công ty khoảng 130 triệu đồng/tháng. Với giá cước vận tải hiện nay và giá xăng dầu trước đây, công ty đã phải chịu lỗ khoảng 120 - 150 triệu đồng/tháng với lý do chi phí đầu tư xe tăng và lãi suất vay vốn ngân hàng cũng tăng. Thêm vào đó, công ty còn có gần 20 xe taxi tham gia vận chuyển đưa rước hành khách miễn phí (từ các bến xe vào nội thành).
Trao đổi với Thanh Niên, hầu hết đại diện các đơn vị vận tải cho rằng dù không muốn tính tiền phụ thu, nhưng do giá nhiên liệu tăng đến 35% chỉ trong năm nay nên không còn cách nào khác. Ông Nguyễn Nam Sơn - Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, đây là giải pháp bất khả kháng để bù lỗ cho doanh nghiệp, nếu sau này giá nhiên liệu giảm thì sẽ bỏ cách tính phụ thu này. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng muốn tăng giá cước. Đại diện Doanh nghiệp Xe khách Thuận Thảo (Phú Yên) cho hay chỉ dự tính tăng tuyến xe khách TP.HCM - Quy Nhơn, TP.HCM - Đà Nẵng (xe 16 chỗ) và gần 30 tuyến khác khởi hành từ Tuy Hòa đi các địa phương khác trong và ngoài tỉnh Phú Yên, với mức tăng dự kiến là 8 - 10%. Còn 2 tuyến khác là TP.HCM - Tuy Hòa (xe 16 chỗ) và TP.HCM - Đà Nẵng (xe Sao Vàng), dự kiến sẽ không tăng giá, vì giá vé đã ở mức khá cao, nếu tăng, hành khách sẽ khó chấp nhận. Đại diện Xe khách Mai Linh hoạt động các tuyến miền Tây cũng cho biết chưa có dự tính tăng giá trong thời điểm hiện nay.
Mai Vọng - Đình Mười
Bình luận (0)