Xăng dầu vẫn thiếu cục bộ

17/10/2022 06:27 GMT+7

Gần đến kỳ điều chỉnh giá mới, thị trường xăng dầu nhiều nơi vẫn còn tình trạng hết xăng còn dầu, doanh nghiệp bán lẻ kêu trời vì nhận 0 đồng hoa hồng...

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu các cơ quan quản lý phải sớm khắc phục, sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp liên quan chu kỳ điều chỉnh giá, chi phí cấu thành giá xăng dầu. Thế nhưng gần đến kỳ điều chỉnh giá mới, thị trường xăng dầu nhiều nơi vẫn còn tình trạng hết xăng còn dầu, bán định mức, doanh nghiệp bán lẻ kêu trời vì nhận 0 đồng hoa hồng...

Xe ôm, shipper vẫn nơm nớp lo "nỗi ám ảnh đổ xăng" quay trở lại

Doanh nghiệp bán lẻ tối thiểu phải có 2 nguồn hàng

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Cường, Công ty CP kinh doanh xăng dầu Hà Nội, có cây xăng trên đường Võ Chí Công (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lấy hàng của Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), cho hay trong kỳ điều hành giá ngày 11.10, liên bộ Công thương - Tài chính đã tăng định mức chi phí vận chuyển xăng dầu. Nhưng thực tế chỉ có doanh nghiệp (DN) đầu mối, thương nhân phân phối được hưởng lợi từ chính sách này, còn mức chiết khấu cho các DN bán lẻ không có gì thay đổi. Chỉ 1 ngày sau đó, ngày 12.10, Petrolimex đã có thông báo cho các DN bán lẻ mức chiết khấu mới áp dụng đối với dầu diesel, xăng RON95 và xăng E5 đều là 0 đồng/lít.

“Chiết khấu 0 đồng thì DN bán lẻ bán càng nhiều thì lỗ nhiều, bán ít lỗ ít. Trong suốt 9 tháng qua, mỗi tháng tôi phải bù lỗ khoảng 500 triệu đồng để duy trì hoạt động của cây xăng. Tổng tiền lỗ đến nay đã trên 4 tỉ đồng mà không được phép đóng cửa hay tạm ngừng kinh doanh, trong khi tiền lương nhân viên, thuê mặt bằng cứ đến hạn là phải chi trả đầy đủ”, ông Cường cho biết.

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia yêu cầu cơ quan quản lý sớm tính toán lại chi phí xăng dầu để ổn định thị trường sau chỉ đạo của Thủ tướng

Hoàng Quân

Cũng theo ông Cường, quy định DN bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nguồn hàng và nếu muốn thay đổi nguồn lấy hàng thì phải làm thủ tục xin cấp lại giấy phép, thời gian chờ giấy phép mới là 20 ngày. Đây là quy định rất mâu thuẫn, đang “hành” DN bán lẻ nhất. Bởi lẽ, DN bán lẻ không có lựa chọn mà hoàn toàn lệ thuộc vào một nguồn hàng. Khi đó, các DN đầu mối, thương nhân phân phối nắm độc quyền, rất dễ bắt tay để “dìm” chiết khấu.

“Chúng tôi kiến nghị phải sớm sửa đổi quy định này càng sớm càng tốt. Mỗi DN bán lẻ phải có tối thiểu 2 nguồn hàng trở lên. Để khi nguồn này có thiếu hụt, chậm giao hàng, chúng tôi có thể lấy từ nguồn khác để bù lại, kịp thời đưa về hệ thống phục vụ người dân thì sẽ không có chuyện cây xăng hết xăng, hết dầu phải đóng cửa nhiều như thời gian qua. Khi DN bán lẻ có nhiều nguồn hàng, DN đầu mối, thương nhân phân phối phải có mức chiết khấu cạnh tranh chứ không thể áp đặt, độc quyền để áp chiết khấu 0 đồng như hiện nay nữa”, ông Cường nói.

Tương tự, tại phía nam, ông P.X.Kiên, chủ 4 cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM và Tiền Giang, cho hay đến sáng 16.10, chiết khấu từ thương nhân phân phối báo về là 200 đồng/lít dầu diesel và 0 đồng với xăng. “Tôi lỗ 2 tỉ đồng mỗi tháng, tiền nào chịu cho nổi”, vị này nói và kiến nghị liên bộ nếu đã tăng chi phí vận chuyển cho nhà nhập khẩu thì nên “có lời nào đó” để đầu mối phân bổ tiền vận chuyển đó cho nhà bán lẻ.

Ông Kiên nhấn mạnh: “3/4 cửa hàng kinh doanh xăng dầu của tôi hết dầu bán, muốn mua từ DN đầu mối khác cũng không thể vì phải làm lại giấy phép, mất 20 - 25 ngày, tương đương 2 kỳ điều chỉnh giá mới. Kinh doanh nhưng DN luôn trong tâm trạng sợ phạt dù không có hàng, mở cửa hàng đối phó và bán lỗ triền miên. Đã gần hết chu kỳ điều hành giá rồi, chậm ngày nào như ngồi trên lửa ngày đó, tôi nghĩ liên bộ phải biết “nóng ruột” như DN mới xong việc được”.

3 giải pháp trước mắt

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN (VINASME), cho biết sau cuộc làm việc giữa Bộ Tài chính - Bộ Công thương trong ngày 7.10 và gần đây nhất là kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11.10 có tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu nhưng thị trường không có gì thay đổi. “Các DN bán lẻ vẫn chồng chất khó khăn. Chiết khấu quá thấp, thậm chí là 0 đồng”, bà Hường thông tin.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nói thẳng: Vấn đề của thị trường xăng dầu là chính sách đã lộ bất cập, cần thay đổi càng sớm càng tốt. Đó là quản lý nhập khẩu xăng dầu, vấn đề định mức giao khoán… Cơ quan chức năng giao cho DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu bao nhiêu nhưng liệu DN có nhập về từng đấy không, đến nay vẫn là ẩn số. Ngay cả việc quy định DN đầu mối phải dự trữ nguồn hàng 2 tuần, họ có tuân thủ nghiêm túc không, chưa thấy ai có thống kê này. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho chính các cơ quan kiểm tra, giám sát DN đầu mối kinh doanh xăng dầu là thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không phải khi khó khăn, thiếu hụt, DN kêu mới đi kiểm tra. Cũng không phải quản lý kiểu “ngọn” là cho DN bán lẻ chỉ đàm phán, ký kết hợp đồng với 1 DN đầu mối bán buôn trong thời hạn nhất định, khiến khi DN đầu mối này bị rút giấy phép, cửa hàng xăng dầu cũng đóng cửa theo.

Từ đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đưa giải pháp trong ngắn hạn, việc rút ngắn thời gian kỳ điều hành giá xăng dầu nên tính đến để giúp giá xăng dầu biến động sát với giá thế giới hơn. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại nới room cho vay đối với DN xăng dầu nhằm tạo điều kiện cho DN có nguồn vốn nhập khẩu dồi dào hơn. Thứ ba, xem xét tính lại các chi phí tính giá cơ sở vào xăng dầu trên cơ sở các yếu tố hình thành một cách chính xác. Chi phí tính thiếu, DN đầu mối đã lỗ, làm sao có chiết khấu đủ cho khâu bán sỉ và lẻ bên dưới. Chẳng hạn, VN đang tính tiêu chuẩn khí thải và phải đóng thuế theo mức tiêu chuẩn EURO3, khoảng 1 USD/thùng dầu. Nhưng gần 1 năm nay, chi phí cho khí thải trên thế giới tính theo tiêu chuẩn EURO5 với mức chi phí từ 7 - 8 USD/thùng dầu. Như vậy, nếu chúng ta vẫn cứ tính như cũ, thì DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu đang chịu lỗ.

Để ổn định lại thị trường xăng dầu, trước mắt cần giải quyết hai việc. Đó là DN đầu mối, thương nhân phân phối phải “trả lại chi phí lưu thông xăng dầu cho các DN bán lẻ”, chứ không thể lấy khoản này để bù đắp vào các khoản lỗ của họ được. Thứ hai, liên bộ Công thương - Tài chính phải có lộ trình sửa đổi ngay quy định bất hợp lý là tổng đại lý, đại lý bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nguồn. Chính quy định này trong thời gian dài vừa qua đã tạo ra nhiều khâu trung gian phân phối, làm phát sinh thêm chi phí người tiêu dùng phải gánh chịu.

Nguyễn Thị Bích Hường,
Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.