Đánh thức kinh tế mới một vùng quê
Là một trong 32 hộ dân xung phong vào vùng kinh tế mới, nay là xóm 9, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, bà Đậu Thị Giang kể với chúng tôi: "Ngày ấy cuộc sống vất vả, khó khăn đủ đường". Cả gia đình có 5 khẩu, 2 vợ chồng và 3 con đang tuổi ăn học chỉ trông vào làm nông thuần túy nên nghèo đói đeo bám chẳng buông. Vợ chồng bà cứ trăn trở mãi muốn làm ăn, cải thiện cuộc sống nhưng lại không có vốn. Cho tới năm 2009, "trong một lần đi họp bản nghe Trưởng bản phổ biến về nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, tôi đã tìm hiểu và thống nhất với gia đình xin gia nhập ngay Tổ tiết kiệm và vay vốn để sinh hoạt", bà kể.
Từ nguồn vốn vay 15 triệu đồng hộ nghèo dùng để nuôi 2 con bò cái, đến năm 2012 gia đình có 5 con bò. "Đến hạn trả nợ tôi bán đi 1 con bò, 1 con bê được 25 triệu đồng trả nợ vay và đóng tiền cho con ăn học", bà kể. Cuối năm 2014, bà tiếp tục vay 30 triệu đồng để trồng 50 gốc cam và bưởi. "Sau 4 năm chăm sóc gia đình đã ổn định, có thêm tiền để lo cho con học, sửa sang lại căn nhà dột nát và trả nợ".
Niềm hạnh phúc của gia đình bà được nhân lên gấp bội khi cùng năm 2018, con lớn đỗ vào Trường Cao đẳng Việt - Hàn và được NHCSXH cho vay 85 triệu đồng chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Đầu năm 2019, tiếp tục được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng tiếp sức phát triển mở rộng thêm mô hình cam, bưởi. Bà mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm để đầu tư vào mô hình nuôi ốc bươu đen. Đến nay, gia đình bà đã có cuộc sống ổn định cùng tài sản gồm 5 con trâu; có 1 mô hình nuôi ốc bươu đen, 2 ao cá, 1.000 gốc cam, bưởi các loại. "Niềm vui lớn nhất sau bao năm cố gắng, năm 2020 gia đình xây dựng được căn nhà khang trang rộng rãi với tiện nghi đầy đủ", bà vui vẻ nói.
Với ông Trương Công Bình ở bản Khe Trằng, xã Thọ Sơn trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã, một mình nuôi con nhỏ, thu nhập chủ yếu của gia đình chỉ trông chờ chăn nuôi gà, vịt nên kinh tế gia đình nhiều khó khăn. Thời điểm đầu năm 2012, ông chỉ dám vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo đầu tư nuôi bò. Đến năm 2016 gia đình đỡ khó khăn hơn, ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò; hiện tại ông đang vay 50 triệu đồng hộ cận nghèo để chăn nuôi gia súc, trồng keo, mía, sắn... nhờ chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, có nguồn thu ổn định cùng tài sản 7 con trâu bò, 2 ha keo, 1 ha mía, 1 ha sắn. "NHCSXH thực sự là cầu nối của dân, giúp dân được gần gũi với đồng vốn ưu đãi", ông Bình cho biết.
Tạo thêm động lực cho kinh tế địa phương
Dòng vốn tín dụng chính sách được cộng hưởng thêm hiệu quả từ việc triển khai Chỉ thị 40/CT-TW với sự vào cuộc tích cực và sâu rộng hơn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện Anh Sơn tăng lên đạt 10 tỉ đồng, trong đó ngân sách huyện là 2,9 tỉ đồng đã bổ sung thêm nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Đến hết tháng 4.2023 tổng nguồn vốn hoạt động tại NHCSXH huyện Anh Sơn đạt 589 tỉ đồng, tăng 572 tỉ đồng (gấp 37 lần) so với thời điểm đầu hoạt động (năm 2003).
Hơn 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 04.10.2002 của Chính phủ, huyện Anh Sơn đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay được 63.520 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.678.388 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 1.161.046 triệu đồng; giúp cho 22.466 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 10.000 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 2.000 lao động, giúp cho 12.245 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 21.364 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.312 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Xuân Cường, kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Anh Sơn khẳng định: "Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ trên địa bàn. Nguồn vốn chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hàng năm giảm từ 1 -1,5%, toàn huyện hiện có 14 địa phương về đích nông thôn mới". Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 43,7 triệu đồng/năm.
Câu chuyện giảm nghèo, phát triển kinh tế của người dân Anh Sơn giờ không chỉ hướng vào sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ mà hướng tới xanh - sạch - tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình mới đang được nhân rộng như cánh đồng lúa giống mới chất lượng cao; trồng ngô giống mới chuyển đổi gien; liên kết trồng mía giống mới năng suất cao trên đất bãi; sản xuất rau quả trong nhà lưới; chăn nuôi quy mô lớn; xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình OCOP. Nhiều nhà máy, dự án hỗ trợ sản xuất dịch vụ nông nghiệp đang theo về theo tiếng gọi đầu tư của huyện, tỉnh hứa hẹn tương lai mới cho phát triển kinh tế Anh Sơn hướng tới phân khúc giá trị gia tăng cao hơn.
Tính đến hết tháng 4.2023, NHCSXH huyện Anh Sơn có tổng dư nợ đạt 571 tỉ đồng cho 10.330 hộ vay, dư nợ bình quân 55,3 triệu đồng/hộ. Đây sẽ là điểm tựa để huyện Anh Sơn sớm trở thành huyện "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" theo tinh thần Nghị quyết số 19 Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khoá XIII như Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung kỳ vọng.
Bình luận (0)