Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đầu năm 2021, UBND TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã xin ý kiến Cục Quản lý đường bộ III về việc lắp dựng cổng chào trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua TP.Kon Tum. Công trình được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Kon Tum làm chủ đầu tư. Cục Quản lý đường bộ III đã đề nghị UBND TP.Kon Tum lập hồ sơ thiết kế gửi về Tổng cục Đường bộ VN để xem xét giải quyết.
Cổng chào ở TP.Kon Tum được lắp đặt đã vi phạm hành lang an toàn giao thông |
Đức Nhật |
Tuy nhiên, trong văn bản phúc đáp, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng việc lắp đặt cổng chào ngang đường nhưng không được duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo bền vững công trình và các cấu kiện gắn trên cổng sẽ tiềm ẩn nguy cơ rơi gãy, gây mất an toàn. Bên cạnh đó, thời gian qua, trên một số quốc lộ đã xảy ra tình trạng công trình vượt quốc lộ bị hư hỏng gây mất an toàn giao thông, đã có trường hợp sập đổ làm chết người như ở thị trấn Tiểu Cần, H.Tiểu Cần (Trà Vinh). Gần đây, cơn bão số 10 năm 2017 đã làm đổ cổng chào trên đường Lý Thường Kiệt, TP.Đồng Hới (Quảng Bình).
Mặc dù vậy, chủ đầu tư vẫn chỉ đạo các đơn vị thi công 5 cổng chào tại các vị trí: Km 1550+295, Km 1551+175, Km 1552+505, Km 1542+395, Km 1562+370 trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP.Kon Tum. Việc thi công các cổng chào kéo dài từ tháng 1 - 12.2021.
Vì thế, Chi cục Quản lý đường bộ III.4 đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu tháo dỡ các công trình, hoàn trả hiện trạng ban đầu. Cục Quản lý đường bộ III cũng 5 lần ra quyết định xử phạt chủ đầu tư, nhà thầu vì dựng cổng chào trái quy định trong phạm vi đất dành cho đường bộ, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn không thực hiện. Cuối năm 2021, Cục Quản lý đường bộ III đã phải gửi văn bản cho UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị chỉ đạo xử lý vi phạm khi xây dựng các cổng chào trái phép trên.
Trả lời Thanh Niên qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND TP.Kon Tum, cho biết do mỗi lần xin giấy phép xây dựng cổng chào thì phải ra Tổng cục Đường bộ VN thỏa thuận với thủ tục phức tạp. Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh có yêu cầu phải làm ngay các cổng chào điện tử. Về tài chính cấp vốn thì không thể chờ sang năm sau, do đơn vị nào chậm giải ngân sẽ bị gợi ý kiểm điểm, nên trong thời gian chờ hoàn chỉnh thủ tục, đơn vị đã tiến hành thi công trước.
“Việc xây dựng cổng chào không sai phạm gì cả. Chỉ có một nội dung là nó nằm trong hành lang thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Đường bộ VN, nên khi chưa đạt được thỏa thuận mà mình đã tiến hành xây dựng thì họ lập biên bản”, ông Mân giải thích và cho biết các cổng chào trên được đầu tư xây dựng với số vốn hơn 8 tỉ đồng từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Về câu hỏi có cần thiết xây dựng cổng chào không, ông Mân cho rằng việc xây dựng cổng chào là do UBND tỉnh chỉ đạo, UBND TP.Kon Tum chỉ thực hiện theo chỉ đạo.
Bình luận (0)