img
Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Từ đất nước thuần về nông nghiệp, xuất phát điểm bằng 0 trong lĩnh vực ô tô, nhưng hiện nay VN đã có một thương hiệu ô tô niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ từ hơn 1 năm trước. Sự kiện rung chuông mở màn phiên giao dịch trên sàn Nasdaq (Mỹ) của các lãnh đạo VinFast không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế thúc đẩy thương hiệu VinFast phát triển mạnh mẽ trong tương lai, mà còn truyền cảm hứng cho các thương hiệu Việt tiến ra thế giới. Từ đó đến nay, cái tên VinFast liên tục được nhắc đến không chỉ trong nước mà còn trên khu vực và toàn cầu.

Chỉ sau 5 năm ra đời, VinFast đã liên tục gây sốt với những bước tiến "khủng" như: đưa VN trở thành một trong những quốc gia có lượng cổng sạc hàng đầu khu vực cũng như thế giới, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc; giúp VN thành nước xuất khẩu dịch vụ vận tải đầu tiên trên thế giới; đơn vị tiên phong triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền tại VN… Tập đoàn Vingroup cũng đi đầu trong các ứng dụng mới đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học công nghệ...

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast tại huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng

Bá Hùng

Hay trong ngành công nghiệp thép, từ việc phụ thuộc vào nhập khẩu, VN đã vào top 15 trên thế giới về sản xuất thép khi năm 2022 đứng thứ 13 với sản lượng đạt 20 triệu tấn. Đặc biệt, VN đã có công nghiệp thép chế tạo, thép cao cấp. Để đạt được vị trí này phải kể đến Hòa Phát - doanh nghiệp (DN) thép lớn nhất của VN. Năm 2021, hãng dữ liệu của Anh Refinitiv Eikon (tiền thân là Thomson Reuters Data) công bố Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới, và Tập đoàn Hòa Phát đứng thứ 15 trong danh sách này với mức vốn hóa 11 tỉ USD, lớn hơn vốn hóa của tập đoàn thép hàng đầu Nhật Bản là JFE Holdings. Hòa Phát cũng nằm trong Top 50 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Còn nếu tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất khu vực. Theo dự kiến từ năm 2025, năng lực của Hòa Phát sẽ tăng lên 14 triệu tấn/năm và thời gian sau nữa sẽ lên mức 20 triệu tấn thép/năm khi hoàn thành Nhà máy Dung Quất 3 như kế hoạch đặt ra. Khi đó, Hòa Phát sẽ lọt vào Top 20 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, vượt trên các nhà sản xuất thép đến từ Mỹ, Nga, Đức, Brazil, cùng nhiều nhà sản xuất thép Trung Quốc, đứng ngang hàng với Hyundai của Hàn Quốc. Thậm chí, tập đoàn này còn đang nghiên cứu sản xuất các mặt hàng chất lượng cao như tôn silic hay thép đường ray chuyên dụng cho các loại tàu cao tốc, những công nghệ cao nhất, khó nhất của ngành thép thế giới…

Một số DN tư nhân đầu đàn khác trong nước còn có thể kể đến như Tập đoàn Sungroup, FPT, Thaco, Masan… cũng là những đơn vị tiên phong trong các lĩnh vực khác nhau. Những tập đoàn này đã đóng góp nhiều vào công cuộc phát triển của VN thời gian qua và cũng tạo cảm ứng cho cộng đồng DN trong nước đi lên.

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong kỷ nguyên mới- Ảnh 3.

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong kỷ nguyên mới- Ảnh 4.

Tuy phát triển khá nhanh, có những con chim đầu đàn, tuy nhiên so với quy mô dân số trên 100 triệu dân, số lượng DN Việt, đặc biệt DN lớn rất khiêm tốn. Thống kê cho thấy, về quy mô và loại hình DN, DN siêu nhỏ chiếm khoảng gần 70%, DN nhỏ khoảng 25%, còn lại DN quy mô vừa 3,5% và DN lớn 2,6%. Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị ban hành tháng 10.2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ mới cũng nêu rõ, phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đặt vấn đề: Những Hòa Phát, Vingroup, Thaco… chúng ta có bao nhiêu DN được như thế? Ông cho rằng DN khỏe thì nền kinh tế mới khỏe. Nhưng quan trọng là phát triển đội ngũ liên tục, cả về lượng lẫn chất, có lượng mới có chất. "Chúng ta không thể tự nhiên có 100 tỉ phú khi số lượng DN chỉ vài trăm ngàn. Tức là phải có một tỷ lệ DN tương ứng. Như vậy, khi có một lực lượng DN đông đảo thì mới tạo ra một hệ sinh thái, lúc đó có con đại bàng dẫn đầu về nghiên cứu, làm chủ công nghệ… Vấn đề là phải có đủ lượng DN nhỏ và vừa thì mới có DN lớn", TS Nguyễn Đình Cung nói.

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong kỷ nguyên mới- Ảnh 5.

Dây chuyền sản xuất bên trong nhà máy công nghiệp hỗ trợ của Thaco tại KCN Thaco Chu Lai (Quảng Nam)

Mạnh Cường

Theo báo cáo, VN có gần 70% DN nhỏ và siêu nhỏ, thiếu vắng những đơn vị vừa là cầu nối giữa DN lớn với công ty nhỏ, siêu nhỏ. Trong khi đó, chỉ 30% số DN nhỏ, siêu nhỏ báo có lãi; trong khi có 70% DN nhỏ và vừa báo có lãi. Như vậy, có thể nói DN quy mô càng lớn thì khả năng kinh doanh có lãi càng cao và có sự khác biệt rất lớn giữa những công ty siêu nhỏ và các DN quy mô còn lại trong khả năng tồn tại trên thị trường. Nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn, sẽ tiếp tục mở ngay trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực được dự báo là sẽ có biến động khó lường hơn. Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và có sức chống chịu đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Muốn vậy, phải thúc đẩy tinh thần, tâm trạng của nhiều DN tư nhân đang chùng xuống. Mục tiêu của chúng ta là 1,5 triệu DN đến năm 2025 và 2 triệu DN đến năm 2030 là một con số rất thách thức. Khi có một lực lượng DN đông đảo thì mới tạo ra một hệ sinh thái, lúc đó có con đại bàng dẫn đầu về nghiên cứu, làm chủ công nghệ.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp VN (VCCI), dẫn một khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy, tính tới tháng 9 năm nay, chỉ 32% DN cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Con số này có nhích nhẹ hơn so với mức 27% của năm 2023, song vẫn ở mức thấp thứ 2 trong 18 năm thực hiện khảo sát DN hằng năm của VCCI. Bên cạnh đó, các DN vừa và lớn vẫn cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. Đặc biệt với nhiều công ty trong một số ngành quan trọng của nền kinh tế như công nghiệp chế tạo, nông lâm nghiệp, thủy sản… cũng tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động. Nhưng so với quy mô dân số, số lượng DN thành lập của VN khá khiêm tốn. Trong đó, số DN nhỏ và siêu nhỏ ngày càng co cụm, biến mất khiến ngày càng xa mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN đang hoạt động và 1,5 triệu DN đến năm 2025 đã không thể đạt được. Vì vậy cần có thêm những quyết sách để tiếp sức cho cộng đồng DN.

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong kỷ nguyên mới- Ảnh 6.

Nhà máy VinFast tại Hải Phòng

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong kỷ nguyên mới- Ảnh 7.

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế VN, đánh giá khát vọng lớn mạnh, sức chống chọi, vượt khó khăn của DN Việt trong lịch sử rất kiên cường. Tuy nhiên, khát vọng ấy trong mỗi giai đoạn lại có những sắc thái khác nhau. Sau bao phen khó khăn, phải nhìn thẳng vào sự thật là tâm thế của các DN có phần sa sút do dịch bệnh, bão lũ tàn phá, nợ xấu bao quanh, kinh doanh phục hồi chậm. Các yếu tố này gây tổn thương và ít nhiều làm suy giảm, thậm chí triệt tiêu động lực của DN, doanh nhân. Theo TS Trần Đình Thiên, có 3 điểm yếu "chí tử" của thực lực DN tư nhân Việt là nhỏ, yếu và thấp, dù có lịch sử phát triển mấy mươi năm. Chính vì lẽ đó, DN đã khó lớn mạnh và quy mô mở rộng DN lớn, lớn hơn cũng vô cùng khó khăn. Thế nên, để đạt mục tiêu đưa đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, theo logic kinh tế thị trường, DN tư nhân phải giữ vai trò nền tảng với các tập đoàn lớn làm trụ cột.

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong kỷ nguyên mới- Ảnh 8.

"Điều chưa yên lòng là nền tảng từ DN tư nhân của ta hiện còn khá yếu. Vai trò trụ cột chưa định hình thật rõ, chưa xây dựng được các chuỗi sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu do chính các tập đoàn, DN lớn trong nước dẫn dắt. Năng lực DN hạn chế lại thiếu tính liên kết để tăng sức mạnh. Trong khi một nền kinh tế toàn cầu hiện đại, nếu không tham gia vào chuỗi sản xuất hoặc yếu kém trong chuỗi đó, khó xây dựng được nền kinh tế hùng cường", ông Thiên bày tỏ băn khoăn. Từ đó vị chuyên gia này nhấn mạnh: Kinh tế VN không đứng một mình, phải cạnh tranh và hợp tác với thế giới. Đội ngũ DN đáp ứng yêu cầu này, phải phát triển mạnh về số lượng lẫn chất lượng thì cạnh tranh, hợp tác mới hiệu quả. Chúng ta rất cần những chuỗi sản xuất do các tập đoàn lớn trong nước dẫn dắt, từ đó mới lan tỏa ra cả nền kinh tế… Có chuỗi mới thay đổi được cấu trúc nền kinh tế, tiến vào kỷ nguyên mới. Chính các tập đoàn kinh tế mới giúp tạo không gian mới cho các DN khác đổi mới, sáng tạo. Nếu không có chuỗi, DN nhỏ và vừa đơn độc không phát triển được đã đành, còn bị teo tóp, biến mất.

"Vừa rồi VN ký kết với tập đoàn công nghệ toàn cầu là NVIDIA, qua đó cho thấy hình dáng một nền kinh tế hiện đại mà VN bắt buộc phải đi theo", ông Trần Đình Thiên dẫn chứng và nhấn mạnh: Tháo các điểm nghẽn để có môi trường kinh doanh thông thoáng, lâu nay chúng ta nói nhiều, nhưng chưa làm được, nay phải làm cho bằng được mới nói đến kỷ nguyên mới. "Trong thực tế, chúng ta có chuỗi nhưng còn rất ít và yếu. Chưa có chuỗi nào định hình trên thị trường có dấu ấn ra thế giới. Chẳng hạn, Hòa Phát đang làm thép, có thể tạo điều kiện phát triển thành chuỗi, tiến sang làm cơ khí, làm đường sắt, gắn với chuỗi sản xuất ô tô Trường Hải, chuỗi xe điện VinFast…", TS Trần Đình Thiên nêu ý kiến.

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong kỷ nguyên mới- Ảnh 9.

Còn theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để đội ngũ DN Việt thực sự lớn mạnh và trở thành trụ cột trong các lĩnh vực, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, thì VN cần tập trung vào ba điều kiện tiên quyết quan trọng. Một là tăng cường hỗ trợ các DN lớn hiện tại. Tập trung nguồn lực để hỗ trợ "những con sếu đầu đàn" phát triển hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như công nghệ, năng lượng tái tạo, và sản xuất công nghiệp tiên tiến. Ví dụ nhà nước có thể xem xét các chính sách ưu đãi tín dụng, giảm thuế hoặc hợp tác công - tư (PPP) để các DN đầu ngành đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Kế tiếp là xây dựng thế hệ DN "sếu trung trung". Cần ươm mầm DN tiềm năng bằng cách xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng trở thành DN lớn, tập trung vào đào tạo quản trị, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ; kết nối đơn vị vừa và nhỏ với các tập đoàn lớn để tạo ra hệ sinh thái phát triển bền vững, giúp các DN nhỏ từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong kỷ nguyên mới- Ảnh 10.
Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong kỷ nguyên mới- Ảnh 11.

Sản xuất tại Tập đoàn Hòa Phát

Một điểm khác là hoàn thiện môi trường thể chế và chính sách. Cần đảm bảo các nghị quyết và chính sách phát triển DN được thực thi hiệu quả, giảm thiểu các rào cản về thủ tục hành chính, chi phí không chính thức và tình trạng thiếu nhất quán trong quản lý. Một môi trường pháp lý ổn định và minh bạch sẽ tạo niềm tin cho DN đầu tư dài hạn và tập trung phát triển bền vững.

"Muốn đội ngũ DN thực sự lớn mạnh, cần có chiến lược toàn diện để vừa phát huy vai trò đầu tàu của các DN lớn hiện tại, vừa xây dựng thế hệ DN mới đủ khả năng vươn lên. Quan trọng nhất là tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là nền tảng để DN VN trở thành trụ cột trong nhiều lĩnh vực, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới", TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt trong kỷ nguyên mới- Ảnh 12.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.