Ngày 15.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 45, cho ý kiến về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong 4 tháng qua cho thấy nền kinh tế bị ảnh hưởng hết sức nặng nề do đại dịch Covid-19 khi tăng trưởng GDP đạt thấp; nhiều lao động bị mất việc làm; sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015 - 2020; hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm.
Từ đó, Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2020. Cụ thể, kịch bản 1 là trường hợp Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam cũng khống chế dịch bệnh trong quý 3, thì dự kiến GDP tăng khoảng 4,4 - 5,2%. Kịch bản 2 là trường hợp các đối tác của Việt Nam khống chế dịch muộn hơn (trong quý 4), thì dự kiến GDP chỉ tăng khoảng 3,6 - 4,4%.
Từ đó, Chính phủ dự kiến điều chỉnh mục tiêu kinh tế năm 2020, trong đó hạ chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống 4,5%, thay vì 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân 4%, thay vì dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 4%, thay vì 7%; tổng thu ngân sách giảm 130.000 tỉ so với dự toán được giao…
Nêu ý kiến đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng các chỉ tiêu KT-XH trong nghị quyết của QH là cụ thể hóa từ nghị quyết của T.Ư, nên muốn điều chỉnh thì phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền. “Chỉ còn mấy ngày nữa là QH họp, mà hiện chưa báo cáo, chưa thẩm định”, bà Ngân nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, Chủ tịch QH cho hay, kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ đưa ra khá lạc quan, dựa trên kết quả phòng, chống dịch khá tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam thì vẫn còn lao đao. Do đó, kết quả những tháng vừa qua chưa có cơ sở để đánh giá tình hình tăng trưởng năm 2020. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH sau đó cũng đồng tình chưa nên điều chỉnh các chỉ tiêu KT-XH vào thời điểm hiện tại.
Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ xây dựng thêm một kịch bản tăng trưởng thứ 3 với khả năng làn sóng thứ 2 của dịch bệnh Covid-19 quay trở lại vào mùa thu đông 2020, trên thế giới dịch chưa kiểm soát ngay trong năm 2020, chưa có vắc xin phòng bệnh, nên có thể kéo dài sang 2021. Theo kịch bản này, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ có thể 3%.
Trung Quốc gia tăng bành trướng ở Biển ĐôngBáo cáo của Chính phủ đánh giá đại dịch Covid-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam và căng thẳng Biển Đông sẽ gia tăng do Trung Quốc lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch Covid-19 để gia tăng tầm ảnh hưởng và sự bành trướng trên Biển Đông.
Trưởng ban Công tác đại biểu QH Trần Văn Túy đề nghị cần có kịch bản ứng phó với vấn đề này, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển KT-XH chung của đất nước.
|
Bình luận (0)