Lý do xây dựng luật Địa chất và khoáng sản, theo Bộ TN-MT, địa chất là ngành khoa học kỹ thuật tổng hợp, khoa học về trái đất, khi điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, không chỉ phát hiện khoáng sản mà còn điều tra, đánh giá toàn diện cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất. Đây là căn cứ để phục vụ phát triển cho các ngành: xây dựng, công thương, giao thông vận tải, nông nghiệp, du lịch, quốc phòng - an ninh.
Tuy nhiên, luật Khoáng sản hiện hành chưa quy định đầy đủ nội dung điều tra cơ bản địa chất; chưa quy định nội dung quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TƯ đã nêu.
13 năm qua, nhiều luật liên quan đến địa chất, khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung mới như: bộ luật Dân sự 2015, luật Đất đai 2013, luật Xây dựng 2014, và 2020, luật Đấu giá tài sản 2016, luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, luật Bảo vệ môi trường 2020, luật Đầu tư 2020, luật Doanh nghiệp 2020... Nhưng luật Khoáng sản chưa được sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong thực hiện.
Do vậy, Bộ TN-MT cho rằng, cần xây dựng luật Địa chất và khoáng sản mới, khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản, quản lý hiệu quả khoáng sản.
Bộ TN-MT đã dự thảo luật Địa chất và khoáng sản gồm 13 chương, 132 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đề xuất những quy định cụ thể về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; khu vực khoáng sản và quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia…
Bình luận (0)