Đó là nội dung trọng tâm được đặt ra tại hội nghị “Khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động mô hình kinh tế hợp tác, HTX; xây dựng thí điểm mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tại TP.Cần Thơ.
|
Sản xuất còn hạn chế
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), ĐBSCL là nơi có nền kinh tế cá thể rất phát triển, hiện đang hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nguồn thu nhập của nông dân vẫn chưa ổn định, cuộc sống còn nghèo. Thực tế, tình hình sản xuất của nông dân ĐBSCL còn nhiều hạn chế, như: thiếu nguồn giống chất lượng, ổn định; phương pháp canh tác lạc hậu, chưa cập nhật các loại máy móc hiện đại; nguyên vật liệu phục vục sản xuất kinh doanh thiếu ổn định, chất lượng chưa bảo đảm; giá thành sản phẩm không cao do bị thương lái ép giá, thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa mất giá… “Nguyên nhân của tình trạng này là do các hộ gia đình, đơn vị kinh tế tư nhân mạnh ai nấy làm, không liên kết được với nhau hoặc chưa có tổ chức, đơn vị nào đứng ra hỗ trợ, hướng dẫn nông dân cách làm phù hợp, hiệu quả”, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, nhận định.
Ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết: “Năm 2012, toàn vùng ĐBSCL có hơn 1.300 HTX, với hơn 23.000 lao động, 45.000 tổ hợp tác trong nông nghiệp, thủy sản; hơn 3.200 trang trại, chiếm 14% tổng số trang trại chăn nuôi cả nước. Nhìn chung, kinh tế hợp tác nông nghiệp trong vùng đã có đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; góp phần xóa đói giảm nghèo cho các xã viên…”.
|
Tập trung vào 3 thế mạnh
“Các HTX hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo thường thiếu vốn đầu tư, chưa được trang bị máy móc hiện đại và nhà kho để thực hiện các khâu bảo quản, sản xuất sau khi mua. Bên cạnh đó, giá lúa gạo lên xuống thất thường khiến các HTX không thể định hình được việc thu mua sản phẩm của thành viên và hạch toán lỗ lãi của HTX. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng thí điểm mô hình HTX kiểu mới”, ông Phan Thanh Tâm, Phó chủ tịch Liên minh HTX Kiên Giang, kiến nghị.
Tại hội nghị, ông Dương Quốc Xuân đề nghị lãnh đạo các địa phương tập trung đánh giá sâu hoạt động của HTX nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản; đồng thời nghiên cứu, rà soát lại các cơ chế chính sách hiện hành đang áp dụng đối với HTX. Từ đó chỉ ra những kết quả đạt được, hạn chế còn tồn tại của mô hình HTX ở vùng ĐBSCL, nêu rõ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm, làm căn cứ tham mưu đề xuất các giải pháp, kiến nghị về cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả đối với loại hình kinh tế hợp tác và HTX hiện nay.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết thông qua HTX, các thành viên sẽ được cung ứng nguyên vật liệu đầu vào với giá thấp, được hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ sản xuất và giúp tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả nhất. “Yêu cầu cấp thiết hiện nay là xây dựng được một số mô hình HTX, tổ hợp tác điển hình, giúp nông dân đoàn kết, hợp tác với nhau cùng phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Trước mắt, các tỉnh thành sẽ xây dựng mô hình HTX ở lĩnh vực sản xuất lúa, trồng cây ăn trái và nuôi cá tra, 3 thế mạnh phổ biến ở vùng ĐBSCL”, ông Đông nhấn mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2012, cả nước có hơn 13.570 HTX, tạo việc làm cho gần 243.000 lao động, góp phần không nhỏ vào ổn định kinh tế - xã hội, đặc biệt trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay. Kinh tế tập thể mà trực tiếp là HTX có đóng góp quan trọng cho GDP cả nước, giai đoạn 2002 - 2011, chiếm bình quân khoảng 6,4%, trong khi tỷ trọng vốn đầu tư tài sản cố định và đầu tư tài chính chỉ chiếm 0,58% trong tổng số vốn đầu tư cả nước. |
Nguyễn Đức
Bình luận (0)