Phụ huynh học sinh vào trường đánh thầy cô giáo đến mức phải nhập viện; bắt cô giáo quỳ để xin lỗi học sinh và phụ huynh; thầy cô phạt học sinh bằng roi đòn, bằng sự nhục mạ...
Một người anh trong ngành giáo dục, có 37 năm tuổi nghề, năm nay tuổi đã hơn 70, kể: Hồi anh đi học, thầy cô phạt các bạn nghịch ngợm, phá phách trong lớp và trong khuôn viên trường là chuyện bình thường. Thầy xử nhẹ nhàng thì bằng các câu chuyện làm người phải tránh điều xấu. Nặng hơn thì phạt đứng ở góc lớp. Những lúc không kìm được, thầy lấy thước kẻ vụt vào mông, vai, tay... học trò. Không ai trong số đó trách thầy cô mình cả! Thậm chí, một vài người còn cảm ơn hình phạt mà thầy/cô “dành” cho họ và cho rằng họ nên người vì được thầy “tặng” đòn!
Xã hội phát triển, nhà trường ngày nay đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực: Thầy trò thân thiện hơn, nhà trường trở thành nơi thực thi quyền dân chủ cao nhất. Ở đó dù không có tòa án và các phiên tòa nhưng sự thưởng phạt vẫn được duy trì qua những quy định của ngành giáo dục, của từng nhà trường, đặc biệt là tòa án lương tâm của chính người học, người dạy!
Các hình thức cấm giáo viên đối xử thô bạo với học trò cả trên phương diện tinh thần lẫn vật chất đã được quy định rõ trong nhà trường hiện đại, trong bài học nhập môn nhà giáo của các trường sư phạm. Cho đến lúc này, nhà trường vẫn là nơi tốt nhất gây dựng tương lai cho thế hệ trẻ. Nhưng sao chuyện không hay giữa thầy - trò, phụ huynh vẫn xảy ra nhiều như thế?
Chúng ta không đồng ý với việc ngày nay thầy cô giáo trừng phạt học trò bằng đòn roi, bằng sự thiếu tôn trọng... làm tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất học trò. Nhưng cũng không cho phép những hành vi thiếu tôn trọng thầy cô của học sinh và phụ huynh. Nhà trường phải được xây dựng trên niềm tin yêu con người. Thiếu đi sự tin yêu, sự kính trọng của học trò, phụ huynh và xã hội đối với thầy cô giáo, nhà trường sẽ trở thành một cái lò tinh luyện. Khi đó con người sẽ thiếu đi tính người!
Tôn trọng thầy cô giáo, thương yêu học trò là điều cần phải được duy trì dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ xã hội nào. Ở đâu không có tình thương yêu con người, ở đó không có trường học!
Tôi không còn “thương cho roi cho vọt”
Năm học này, tôi dạy một học sinh mà ba em cũng lại là học trò cũ của tôi. Ngay ngày đầu năm học, bà nội cháu dắt cháu đến và nói với tôi: “Nó lười, lì, quậy như ba nó hồi xưa. Thầy cứ đánh, la dạy để nó nên người như ba nó”. Lâu lắm rồi, tôi mới nhận được một lời gửi gắm như thế.
Mấy mươi năm về trước, tôi là một giáo viên có tiếng dạy học trò yếu, chưa ngoan trở nên ngoan ngoãn, chăm chỉ hơn. Tôi dạy dỗ học sinh chưa ngoan thành công là do đã áp dụng biện pháp trách phạt và cả sử dụng đòn roi, đúng như câu “Thương cho roi cho vọt”. Khi các em sai, tôi phân tích dạy bảo. Các em phạm cùng một lỗi đến lần thứ ba, tôi mới trách phạt sau khi cho các em tự nhận thấy đã không tiến bộ dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Trách phạt rồi, em ấy vẫn vi phạm lần thứ tư, tôi mới dùng roi. Tôi đánh các cháu vào bàn tay bằng roi mây, nhiều nhất là ba roi. Những cháu tiến bộ luôn được tôi khen và đôi khi thưởng tập hay sách truyện…
Bây giờ, mỗi lần tôi gặp học trò cũ nay đã trưởng thành, các em thường nhắc lại chuyện cũ, trong đó có chuyện tôi trách phạt hay đánh đòn các em. Tôi hỏi: “Hồi đó bị thầy phạt rồi đánh đòn, các em có ghét thầy không?”. Các em nói lúc đó tụi em chỉ sợ thầy khi phạm lỗi thôi chứ không hề ghét. Có em còn nói nếu ghét thì bây giờ tụi em đâu có thăm hỏi thầy.
Những năm gần đây, tôi không còn trách phạt hay đánh đòn học sinh nữa. Vì tôi sợ bị phụ huynh mắng chửi, thậm chí hành hung. Sợ ngành nghề, xã hội lên án không biết cách giáo dục học sinh. Tôi đã không còn “thương cho roi cho vọt” nữa!
Lê Phương Trí (Giáo viên Trường tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
|
Bình luận (0)