Điều đáng chú ý là, hai khu vực này cũng là nơi có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước.
Đây là thực tế được ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội nêu ra tại phiên họp sáng nay (5.10) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Tại phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Báo cáo do ông Thanh trình bày cho biết mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, tuy nhiên, các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn.
Số liệu thống kê cho biết có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỉ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán, gây dư luận không tốt trong nhân dân như trường hợp huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, nợ xây dựng cơ bản tới 397 tỉ đồng.
Theo báo cáo, tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước.
“Mặc dù, số nợ đọng này chỉ chiếm 1,8% so với tổng nguồn lực huy động cho Chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện, tuy nhiên, tình trạng nợ đọng để lại hậu quả xấu và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước”, ông Thanh nói.
Theo tổng hợp số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, tính đến 31.1.2016, số nợ đọng của các địa phương khoảng 15.277 tỉ đồng, trong đó 3 khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc. Một số địa phương có nợ đọng lớn là Bắc Ninh (1.631 tỉ), Thanh Hóa (1.547 tỉ), Thái Bình (1.232 tỉ), Vĩnh Phúc (919 tỉ), Nghệ An (887 tỉ), Hải Dương (879 tỉ), Ninh Bình (770 tỉ), Hà Nam (757 tỉ)…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, con số hơn 15.000 tỉ nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương mà đoàn giám sát thống kê đều không có nguồn thanh toán. Ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính có hướng xử lý, đồng thời cần kiên quyết yêu cầu dừng ngay việc tạm ứng vốn xây dựng cơ bản mà không có nguồn cân đối để quá hạn như hiện nay.
tin liên quan
Ôm nợ vì xây dựng nông thôn mớiNgày 1.9, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã yêu cầu UBND các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Minh Long, Sơn Tây, Trà Bồng và TP.Quảng Ngãi phải xây dựng phương án, lộ trình xử lý nợ đọng xây dựng nông thôn mới (kể cả các công trình đã hoàn thành và còn dở dang) trên địa bàn.
Trường hợp khác ở một tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long, một huyện đã nợ lên tới 390 tỉ. Đi vận động doanh nghiệp được 100 tỉ nhưng đến khi làm thật, sau 2 năm thì không có tỉ nào cả. “Các công ty hứa cho ào ào. Trên cũng hứa sẽ hỗ trợ ngân sách, nhưng ngân sách là do Quốc hội quản lý chứ ai quản lý mà xin được”, ông Giàu nói.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới còn nóng vội phong trào và chạy theo thành tích.
Cũng theo người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng - An ninh, qua giám sát cho thấy tư tưởng của đội ngũ cán bộ ở nhiều địa phương vẫn nặng về xin tiền chứ chưa nghĩ kế, nghĩ cách để tìm ra giải pháp áp dụng xây dựng nông thôn mới. “Đấy là chưa nói xin nhiều làm ít khiến người dân kêu ca”, ông Việt nói.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ băn khoăn về hướng giải quyết số nợ này, nhất là với các xã vay nợ để đạt cho bằng được các tiêu chí.
“Nếu kiến nghị ngân sách sau này có nguồn trái phiếu hay nguồn gì cho đầu tư công sắp tới để ưu tiên trả nợ thì không công bằng, bất công với những xã khác. Nếu như thế thì theo phong trào cứ đầu tư đi, cứ vay nợ đi rồi sẽ được xử lý, sẽ được ưu tiên giải quyết nợ thì chúng ta thấy không hợp lý. Còn nếu tự phải nỗ lực tìm nguồn trả nợ thì tôi thấy đoàn giám sát chưa đưa ra được kiến nghị này”, bà Ngân nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình đi giám sát, làm việc với kiểm toán, đoàn giám sát đã đặt ra vấn đề làm sao giải quyết được hơn 15.000 tỉ đồng nợ đọng.
Theo ông Thanh, các địa phương cũng nói rằng sẽ sử dụng quỹ đất của địa phương trong quá trình sau này đấu giá để trả nợ nhưng đây là việc rất khó trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn. Bên cạnh đó là việc nếu như lấy đất từ các địa phương ra thì hướng xử lý chủ yếu là phát triển đô thị lại không tạo ra được sản xuất.
Bình luận (0)