107 sản phẩm đặc sản địa phương
Theo ông Văn Hữu Huệ, đặc thù phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long là loại nông sản đa dạng và chủng loại/cơ cấu giống phong phú với hầu hết các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vệc xây dựng thương hiệu cũng đã được tỉnh quan tâm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã xây dựng và đăng ký bảo hộ mới 27 nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể giúp các doanh nghiệp được bảo vệ bản quyền sản phẩm trên thị trường. Một số thương hiệu tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long như: gạo Phước Thành IV, kẹo Sơn Hải, nước mắm Gia Hỷ, bún Ba Khánh, cơm sấy chà bông Nhật Quỳnh, trà khổ qua rừng Agripure… bước đầu đạt được những thành quả nhất định, sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận và nâng cao vị thế trên thị trường.
Hiện, một số sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị như: Co.op Mart, WinMart, Vinatext, Citymart, BSMart, Satra, Lotte, Bách Hóa Xanh... Mức tăng trưởng doanh thu bình quân của các thương hiệu này đạt khá tốt, có những thương hiệu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà từng bước xuất khẩu. Kết quả đến nay, có 4 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, 19 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực và 91 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh.
Tỉnh cũng đã có một số thương hiệu nông sản được khẳng định như như bưởi Năm Roi Bình Minh (có chỉ dẫn địa lý), nhãn hiệu tập thể khoai lang Bình Tân, nhãn hiệu tập thể bưởi da xanh Vũng Liêm, cam sành Tam Bình, nhãn cù lao Long Hồ...
Giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm
Dù vậy theo ông Huệ, nông sản Việt Nam đang phải cạnh tranh với các sản phẩm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan, Trung Quốc.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thiếu nguồn lực quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường cả nước và quốc tế. Doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung quy mô nhỏ, hạn chế tài chính nên rất khó khăn trong việc tham gia các cuộc hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế (kể cả trong nước).
Bên cạnh đó, thiếu khả năng tìm kiếm thị trường mới để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Từ việc thiếu nguồn lực cũng dẫn đến khó khăn trong việc tìm thị trường mới. Ví dụ, khoai lang tím, sầu riêng, mít, thị trường chủ yếu là Trung Quốc.
Đồng thời, khó khăn trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đây là khó khăn chung, việc tiếp cận và bảo vệ thương hiệu phù hợp với quy định của thị trường quốc tế. Ví dụ, gạo ST25 bị đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ. Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong quản lý và duy trì chất lượng sản phẩm trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ và manh mún...
Để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, ông Văn Hữu Huệ đề xuất các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp thiết lập các vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo Nghị định 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Triển khai thực hiện các chính sách, hoặc các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, thực hiện chuyển đổi số một cách thiết thực và minh bạch nguồn gốc xuất xứ nông sản (truy xuất được nguồn gốc).
Thực hiện các chính sách khuyến khích xây dựng và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, truyền thống của các địa phương.
Mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế bằng cách tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh và uy tín của nông sản Việt Nam. Hoạt động này cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa do nguồn lực của doanh nghiệp hạn chế. Mặt khác, việc thống nhất đầu mối thực hiện nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến thương mại quốc gia sẽ hiệu quả hơn là để từng doanh nghiệp tự thực hiện.
Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các nhà sản xuất nông nghiệp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản. Việc xây dựng thương hiệu liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, kể cả các tổ chức chính trị, xã hội, vì vậy cần có sự chung tay, thống nhất mới đạt hiệu quả cao nhất.
"Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản là khẳng định lợi thế sản xuất nông nghiệp của nước ta nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng - trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, cần có sự chung tay, góp sức của từng người nông dân, từng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị. Vì vậy, thông qua hội nghị, rất mong được chia sẻ ý tưởng, sự hợp tác và hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà làm thương hiệu và nhà quản lý để phát huy tiềm năng và thế mạnh của ngành nông nghiệp", ông Văn Hữu Huệ cho hay.
Bình luận (0)