Xây nhà văn hóa tiền tỉ để... ngắm

07/08/2014 10:03 GMT+7

Trong khi tại các vùng nông thôn đang thiếu chỗ làm sân chơi cho thanh thiếu niên, thì tại xã Long Thạnh (H.Giồng Riềng, Kiên Giang) công trình nhà văn hóa đa năng xây dựng hơn 3 tỉ đồng chỉ để... ngắm.

Công trình Nhà văn hóa đa năng xã Long Thạnh phải bỏ hoang  - Ảnh: Hồng Cúc

Đầu tư không phù hợp

Ông Lê Văn Đường, Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết trước đây do phong trào tập luyện thể thao đang phát triển và xã còn quỹ đất trống gần 1 ha nên Sở VH-TT-DL tỉnh Kiên Giang xây dựng nhà văn hóa đa năng cho địa phương. Công trình được đưa vào sử dụng năm 2009 với diện 300 m2, phần đất còn lại đủ làm sân bóng chuyền, bóng đá đạt chuẩn thi đấu và có cả mái che trên khán đài dành cho khách đến xem bóng đá. Công trình đã đem đến niềm vui khôn tả cho cán bộ và người dân địa phương. 

Tuy nhiên, không lâu sau đó lại phát sinh vấn đề khó khăn trong vận hành sử dụng vì đầu tư không phù hợp. Theo ông Đường, nói là nhà văn hóa đa năng nhưng thực tế khi nhận bàn giao chỉ có cái vỏ trống, bên trong không có thiết bị để tập luyện hay thi đấu; còn sân bóng chuyền, bóng đá thì cỏ mọc khỏi đầu. Thay vì đầu tư các môn thể thao phù hợp thì nhà văn hóa đa năng này lại được trang bị dàn âm thanh, loa phóng thanh và cây đàn. Giao nhà văn hoá cho xã sử dụng nhưng lại không có thêm biên chế, cán bộ xã phải kiêm nhiệm. Phó chủ tịch UBND xã làm giám đốc, các mặt trận, đoàn thể làm thành viên, hoạt động như thế nào thì chẳng ai biết vì không có chuyên môn nghiệp vụ. Cũng vì vậy, từ những năm đầu đưa vào sử dụng, do không phát huy hiệu quả nên cứ tối đến những thanh thiếu niên hư hỏng lại tụ tập vào đây ăn nhậu, đập phá bóng đèn, cửa ra vào…

Trước khó khăn trên, UBND xã Long Thạnh buộc phải trích kinh phí mỗi tháng hơn 1 triệu đồng để thuê người bảo vệ. Ông Phạm Hồng Đô, người bảo vệ Nhà văn hóa đa năng xã Long Thạnh, cho biết sau khi được nhận vào làm bảo vệ, ông thường xuyên phải đuổi những người lẻn vào đây nhậu nhẹt quậy phá, đồng thời vận động thanh thiếu niên vào đây để dạy võ mỗi tối, rồi khuyên nhủ các cháu đến chơi thể thao. “Học võ thì tụi nhỏ đến một tuần vài buổi, còn chơi thể thao thì nó nói sân bãi cỏ rác như vầy sao chơi được, thà tốn vài ngàn đồng để thuê sân cỏ nhân tạo bên ngoài chơi vừa an toàn, lại đông vui hơn”, ông Đô nói.

Tiếp tục khó khăn

Hiện người dân ở Long Thạnh ai cũng bức xúc vì sân chơi dành riêng cho thanh thiếu niên đang rất thiếu, phải thuê bên ngoài. Mặc khác, đời sống còn khó khăn, đâu phải hộ nào cũng có tiền cho con em vui chơi thể thao mỗi ngày. Trong khi đó, công trình xây dựng hơn 3 tỉ đồng, có sân bãi rộng rãi thì đóng cửa im ỉm, không phát huy đúng mục đích vì thiếu đủ thứ. Ông Lê Hoàng Lắm, Trưởng phòng VH-TT H.Giồng Riềng, cho rằng: “Có được nhà văn hóa đa năng ai cũng vui, nhưng khổ một điều bây giờ kinh tế khó khăn quá. Khi mở một giải thi đấu thì đa số các xã hay ở huyện cũng phải kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ. Xã hội hóa thể dục thể thao được thì tốt nhưng hỗ trợ hoài thì họ cũng ngại. Vì vậy, từ khi đưa Nhà văn hóa đa năng xã Long Thạnh vào sử dụng, ngoài các giải thể thao ở xã, huyện cũng tranh thủ đưa một số môn về đây thi đấu gầy dựng phong trào và kêu gọi xã hội hóa để hoạt động có hiệu quả, nhưng xem ra còn khó lắm”.

Theo ông Lắm, để Nhà văn hóa đa năng xã Long Thạnh hoạt động hiệu quả, trước hết phải có con người (biên chế chính thức) có chuyên môn nghiệp vụ để quản lý và có kinh phí hoạt động hằng năm. Đội ngũ này cùng nhau tổ chức các lớp năng khiếu thể dục thể thao; khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Từ đó, sẽ có nguồn thu để duy trì mở các giải thể thao phong trào, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích. Lúc đó, việc kêu gọi xã hội hóa thể dục thể thao sẽ dễ dàng và quan trọng hơn là không phải bỏ phí công trình bạc tỉ này.

Hồng Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.