Xây thêm đền thờ Nguyễn Trãi cạnh đền có sẵn?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
29/10/2018 05:29 GMT+7

Nếu phương án dự kiến quy hoạch khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi được thông qua, tại H.Thường Tín (Hà Nội) sẽ có 2 khu đền thờ Nguyễn Trãi ... 'sát vách' nhau.

Theo phương án mặt bằng được H.Thường Tín đưa ra lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi có diện tích 35.000 m2. Khu này cũng sẽ có bãi đỗ xe, nghi môn, lầu chiêng, gác trống, hồ nước, tả hữu hành lang, tượng đài, nhà bán hàng lưu niệm, nhà ban quản lý và tiếp khách, khu Ao Huê.
Quy mô hay kích thước khủng không phải là thước đo sự vĩ đại của danh nhân hay tấm lòng của ta đối với họ. Điều quan trọng là cách chúng ta tạo dựng các công trình hay hình thức lưu niệm, tưởng niệm
Kiến trúc sư LÊ THÀNH VINH, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích
Hiện khu Ao Huê cũng đang là một phần của di tích nhà thờ Nguyễn Trãi đã được xếp hạng cấp quốc gia tại Quyết định số 29/VH-QĐ của Bộ Văn hóa năm 1964. Như vậy, nếu phương án được thông qua, chúng ta có thể có 2 đền thờ Nguyễn Trãi nằm… “sát vách” nhau, cùng tại làng Nhị Khê, xã Nhị Khê, H.Thường Tín.
Theo bà Lê Thị Liễu, Phó chủ tịch UBND H.Thường Tín, một trong những lý do để địa phương đặt vấn đề xây khu tưởng niệm lớn hơn chính là nhà thờ Nguyễn Trãi có quy mô nhỏ, nằm trên đất tư của dòng họ. Thêm vào đó, khu vực tôn tạo thêm lại nằm cách khuôn viên nhà thờ 500 m, các hạng mục kiến trúc quy mô nhỏ.
“Vì vậy, khu di tích chưa xứng tầm vóc, vị thế của danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc Nguyễn Trãi”, bà cho biết.
Đền thờ đâu cần to !
Về lập luận này của địa phương, PGS-TS Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nhận xét biện luận như vậy là quá đơn giản và không có tính thuyết phục.
Cụ thể, ông Hùng cho biết toàn TP.Hà Nội có tới 22 nhà thờ danh nhân thuộc các thời đại khác nhau thuộc sở hữu của cộng đồng dòng họ. “Trong một làng không có nơi nào trên đất nước ta có hai nhà thờ, thờ chung một vị thần/hoặc anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa”, ông Hùng nói.
Thêm vào đó, ông Hùng cho rằng: “Việc xây dựng mới đền thờ Nguyễn Trãi chắc chắn sẽ tạo nên bất hòa không đáng có giữa dòng họ Nguyễn ở Nhị Khê với chính quyền địa phương. Bất hòa không phải vì giá trị nhân văn mà là lợi ích vật chất - tức nguồn thu từ bán vé tham quan khu tưởng niệm”.
Chưa kể, theo ông Hùng, Bộ VH-TT-DL khó có thể ủng hộ chủ trương xây mới đền thờ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê khi ở đây đã có đền thờ Nguyễn Trãi được Bộ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.
Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL), nêu ý kiến nếu đã có một đền thờ rồi thì không làm thêm đền thờ nữa. Cũng không nên băn khoăn về quy mô của đền thờ đã có. “Quy mô hay kích thước khủng không phải là thước đo sự vĩ đại của danh nhân hay tấm lòng của ta đối với họ. Điều quan trọng là cách chúng ta tạo dựng các công trình hay hình thức lưu niệm, tưởng niệm sao cho khi tới đó người ta có xúc cảm lịch sử và liên tưởng đến danh nhân và giá trị mà họ đã tạo ra”, ông Vinh nói.
Từ quan điểm này, ông Vinh cho rằng đền thờ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê hiện nay có không gian di tích rất phù hợp với truyền thống thờ tự, tưởng niệm truyền thống của người Việt. Đền cũng còn những hiện vật quý như đôi hạc gỗ phong cách thời Lê, các bức hoành phi câu đối ca ngợi tài đức Nguyễn Trãi, tương truyền của vua Lê Thánh Tông ban cho ông khi được minh oan. Ngôi đền cũng vẫn được coi là chốn linh thiêng nhiều đời nay.
Công viên văn hóa và bảo tàng
Dù không đồng ý quan điểm xây thêm đền thờ Nguyễn Trãi bên cạnh đền đã có từ trước, nhưng theo ông Vinh, vẫn có thể phát triển một khu lưu niệm tại làng Nhị Khê. “Có thể tạo thành khu lưu niệm chứ không phải tưởng niệm, vì chức năng tưởng niệm đã có đền thờ. Khu lưu niệm sẽ có các hạng mục lưu giữ di vật, sự kiện tác phẩm của danh nhân Nguyễn Trãi. Ở đây có thể sử dụng các kỹ thuật mới để tái hiện thân thế sự nghiệp. Khu lưu niệm danh nhân kết hợp với đền thờ và khu khuôn viên tượng đài sẽ thành hệ thống tưởng niệm Nguyễn Trãi tại Nhị Khê”, ông Vinh đề xuất.
GS Lê Văn Lan cũng cho rằng ở đây nên xây dựng khu lưu niệm với bảo tàng Nguyễn Trãi, tuy nhiên việc xây dựng bảo tàng sẽ khó khăn khi họa tru di đối với dòng họ Nguyễn Trãi đã tước đi nhiều hiện vật có thể có. “Chúng ta may mắn còn địa điểm Ao Huê. Đó là nơi cụ đã sống, dạy học, nơi có huyền thoại con rắn báo oán. Chúng ta cũng có những tác phẩm lớn. Từ đó, chúng ta có thể mở bảo tàng về sự nghiệp cuộc đời Nguyễn Trãi. Chỉ cần lưu ý không làm theo kiểu chỉ tập hợp sách cho vào tủ”, ông Lan gợi ý.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, cho rằng tưởng niệm Nguyễn Trãi cần được đặt trong quan hệ với tôn vinh làng Nhị Khê - một làng có truyền thống nho học và nghề thủ công tiện gỗ nổi tiếng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.