Xe bánh mì của cụ 81 tuổi bị Parkinson: Bán chỉ 20 ổ/ngày, gói ghém cuộc sống

12/10/2022 12:45 GMT+7

Tuổi già, sức yếu lại mắc bệnh Parkinson, nhưng mỗi ngày vợ chồng cụ Hồ Thị Nguyên (81 tuổi, tạm trú Q.Ninh Kiều, Cần Thơ ) vẫn phải bán bánh mì kiếm sống.

Bán nhà chữa bệnh cho con

Xe bánh mì của vợ chồng cụ Nguyên nằm ở góc đường Lê Lợi (P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều). Cách bày trí thô sơ, không bắt mắt nhưng bánh được thực khách nhận xét là ngon bởi đầy đủ thịt khìa, trứng, chả lụa. Đặc biệt, nước sốt được nêm nếm theo công thức riêng, ăn rất vừa miệng.

Ổ bánh mì của cụ Nguyên tuy nguội nhưng thịt khìa và nước dùng rất ngon

DUY TÂN

Mỗi ngày, xe bánh mì của Nguyên chỉ bán 20 ổ, mỗi ổ 12.000 đồng. Đằng sau câu chuyện mưu sinh lúc tuổi già của cụ khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng, xót xa.

Bánh mì Việt Nam "đa sắc vị, ăn rộp rộp sướng tận chân răng!"

Vợ chồng cụ Nguyên có 4 người con, 2 người đã qua đời, còn 2 người còn lại cuộc sống khó khăn, bệnh tật nên không lo được gì cho cha mẹ già. Hiện, vợ chồng cụ ở trọ 2 triệu đồng/tháng. “Có 4 đứa con, đứa nào số cũng khổ, đứa thì chết năm lên 3, đứa thì chết năm 38 tuổi do bệnh ung thư. Mặc dù vợ chồng tôi cố gắng chạy chữa, bán nhà để lo nhưng vẫn không cứu được nó. Hai đứa còn lại thì giờ 1 đứa cũng bị bệnh, mất sức lao động”, cụ Nguyên buồn bã nói.

Đến nay, cụ Nguyên đã có hơn 15 năm bán bánh mì

DUY TÂN

Đến nay, cụ Nguyên bán bánh mì mưu sinh gần 15 năm. Nhờ chiếc xe bánh mì, vợ chồng cụ sống lây lất qua ngày.

Ngoài bánh mì, hằng ngày vợ chồng cụ Nguyệt bán thêm vé số từ giờ sáng đến 9 giờ tối mới về phòng trọ. Tuy lấy chỉ 20 ổ nhưng có ngày bán được chừng 7 - 8 ổ, bởi ít người ghé mua.

Cụ Nguyên gắp thịt khìa vào ổ bánh nguội, không còn giòn

DUY TÂN

“Nếu bán hết 20 ổ hết thì tiền lời được khoảng 70.000 đồng. Nhưng có ngày ế lắm, chỉ được 7 - 8 ổ. Ổng thì mỗi ngày lãnh bán 100 tờ vé số. Nhờ đó hai vợ chồng kiếm được đồng vô, đồng ra, sống qua ngày”, cụ Nguyên chia sẻ.

Điều đặc biệt ở ổ bánh mì là vị thịt khìa rất đậm đà

DUY TÂN

Ngày nào không đi bán là bệnh liền

Bản thân cụ Nguyên mắc chứng Parkinson nên việc buôn bán, đi lại trở nên vất vả. Nhìn tay cụ tay run run cố gắng xắt thịt, chiên trứng, gắp bỏ từng miếng thịt, cọng ngò vào ổ bánh mì, người mua không khỏi xót xa.

Bánh mì được chan nước sốt thịt khìa và muối nêm có vị rất riêng

DUY TÂN

Cụ Dương Văn Phúc (75 tuổi), chồng cụ Nguyên cho biết, 2 năm trước, cụ còn cố gắng để chạy xe ôm kiếm thu nhập. Nay, tuổi cao, khách không dám đi nên ế, cụ phụ vợ bán bánh mì. Nhờ nhà hảo tâm thương tình giúp vốn lấy vé số bán thêm nên gói ghém, tiết kiệm cũng tương đối đủ trang trải cuộc sống hằng ngày.

Mỗi ngày, cụ Nguyên chỉ bán vỏn vẹn 20 ổ bánh mì

DUY TÂN

“Bán cũng cực lắm chú ơi. Mới mấy tháng trước, tôi đi bán bị trượt ngã gãy xương chân phải mổ, giờ đi lại khó khăn. Còn bả thì có nhớ gì đâu, bị Parkinson nên tay chân run dữ lắm, lúc nhớ, lúc quên. Nhưng mà cái việc bán bánh mì nó gắn bó mười mấy năm rồi nên bả đâu có bỏ được. Ngày không đi bán là bả bệnh liền”, cụ nói.

Vợ chồng cụ Nguyện vừa bán bánh mì, vừa bán vé số kiếm thêm thu nhập

DUY TÂN

Cụ Phúc cho biết, để có chỗ ngã lưng suốt ngày dài mưu sinh, cụ căng bạt che tạm mưa nắng, mắc võng nghỉ kế tủ bánh mì. Đến đêm muộn thì về nhà ngủ. “Khổ nhất những ngày mưa lớn, gió mạnh xô ngã tủ bánh mì, giật phăng cả tấm bạt khiến hai vợ chồng già này ướt như chuột lột. Dù vậy vẫn phải làm để kiếm sống, tự lo bản thân, không làm gánh nặng cho con cái. Các con cũng khổ lắm rồi”, cụ Phúc bùi ngùi.

Dù cuộc đời lắm bi kịch nhưng hai cụ vẫn lạc quan, chịu khó làm lụng tự nuôi bản

DUY TÂN

Anh Duy Khôi (38 tuổi, ngụ Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) cho biết, anh thường ghé ủng hộ vợ chồng Nguyên vài tờ vé số hoặc ổ bánh mì, bởi quá thương hai cụ phải vất vả mưu sinh ở lề đường. Anh mong nhiều người đến ủng hộ bánh mì của vợ chồng cụ. Tuy bánh nguội, không giòn nhưng vị thịt khìa và nước dùng rất ngon.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.