Xe buýt đứng!

02/11/2010 17:22 GMT+7

Nhiều tuyến xe buýt từ trung tâm TP ra làng ĐH Thủ Đức (TP.HCM) quá tải. Sinh viên (SV) đi trên những tuyến xe này thường bị nhồi nhét và phải đứng suốt tuyến.

Đón chuyến xe buýt số 19 đi từ cầu Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) ra khu ĐH Quốc gia TP.HCM vào một buổi trưa, dễ thấy được nỗi khổ của SV phải chịu đựng mỗi ngày khi đi xe buýt.

Xe chưa đến 50 chỗ ngồi nhưng trên xe có hơn 70 người đứng chen chúc nhau dọc theo lối đi. Nguyễn Văn Lâm - SV năm 2, trường ĐH Nông Lâm bức xúc: “Anh đi tuyến xe này thấy đông vậy nhưng còn đỡ. Nếu anh có dịp đi thử tuyến xe buýt số 33 chạy hướng An Sương - Suối Tiên mới kinh hoàng hơn. Do xe chạy ngang qua các trường ĐH như: ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Nông Lâm nên số lượng SV đi lại rất đông. Tuy xe có khoảng gần 50 chỗ ngồi nhưng hầu như chuyến nào cũng bị nhồi nhét không dưới 80 người, thậm chí có hôm lên đến gần cả trăm người khiến cửa lên xuống không đóng, mở được. Hàng trăm con người phải đứng chen chúc, ngột ngạt kinh khủng và không ai có thể biết được nếu xảy ra tai nạn thì sẽ ra sao?”.

Đối với SV, xe buýt là phương tiện đi lại hằng ngày nhưng khi hỏi về chất lượng phục vụ thì ai cũng “lắc đầu” ngao ngán. Nhiều bạn cho biết khi đi phải những chuyến xe buýt bị nhồi nhét như thế họ cảm thấy quá mệt mỏi và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của mình. Tuyết Trang - SV trường ĐH Kinh tế TP.HCM tâm sự: “Nhà ở xa nên em chọn xe buýt làm phương tiện đi học mỗi ngày. Bữa nào hên đi xe có chỗ ngồi thì đến lớp tinh thần thoải mái, học hành phấn chấn nhưng nếu bữa nào đi phải những chuyến xe đông người, bị nhồi nhét và đứng suốt tuyến thì đến lớp cảm thấy rất mệt mỏi, không còn sức để học nữa. Nhiều bạn trong lớp của em khi đi phải những chuyến xe như thế khi đến lớp là mệt nhừ…”.

Tăng chuyến

Ông Văn Công Điểm - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết: Nhằm giảm bớt sự quá tải khi SV đi trên các tuyến xe buýt từ nội thành ra làng ĐH Thủ Đức, Trung tâm đã tăng thêm 42 chuyến có đầu bến tại làng ĐH Thủ Đức, đồng thời tăng thời gian hoạt động xuất bến chuyến cuối cùng trễ hơn 15 phút so với trước đây.

Còn Nhật Thi - SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thì kể: Em ở KTX ĐH Quốc gia và học ở Thủ Đức luôn nên không phải đi xe buýt mỗi ngày như các bạn SV khác. Nhưng thứ bảy hằng tuần em thường đón tuyến xe buýt số 6 vào trung tâm thành phố để thăm người anh ruột. Thi cho biết, đón xe vào ngày thứ bảy và chủ nhật thì còn có chỗ để ngồi nhưng sáng thứ hai đón tuyến xe số 6 trở ra thì bao giờ cũng bị nhồi nhét và đứng suốt tuyến. Nhiều khi ra đến nơi mệt lả người, không thể nào lên lớp được nữa nên đành nghỉ học luôn buổi sáng.

Nhiều SV đi tuyến xe buýt số 8 cũng than phiền vì bị nhồi nhét và phải đứng suốt tuyến. Trần Hữu Đăng Khoa - SV năm 4, khoa Điện tử, ĐH Quốc tế TP.HCM cho biết: “Trừ những bạn SV lên xe ngay tại bến thì có chỗ ngồi còn hầu hết SV đón xe ở các trạm dọc đường thì đứng chen chúc suốt tuyến và không có chỗ cục cựa. Có nhiều hôm bị kẹt xe mình phải đứng gần 2 giờ đồng hồ trên xe buýt nên mỏi cả đôi chân”.

Cảnh SV đứng chen chúc trên những tuyến xe buýt không những làm cho họ mệt mỏi mà còn phải đối mặt với kẻ gian lợi dụng móc túi, lấy đồ. Nguyễn Văn Tuân  SV năm 3, ĐH Thủy lợi cho biết: “Những chuyến xe buýt đông đúc thường là đích nhắm của bọn móc túi. Khi lên xe chúng chen vào những chỗ đông người. Lợi dụng lúc SV mất cảnh giác hoặc khi xe thắng gấp, mọi người đổ dồn về phía trước là chúng ra tay móc túi rồi canh me đến trạm kế tiếp xuống ngay. Vì vậy, SV đi trên những tuyến xe buýt bị chen lấn như thế thì nên bỏ tiền bạc vào trong ba lô hoặc cặp táp và ôm ngay phía trước ngực. Đừng bao giờ bỏ trong túi quần hoặc túi áo”.

Lê Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.