Xe cứu thương lưu động cho bệnh nhân đột quỵ cấp

Lê Vân
Lê Vân
30/10/2022 08:35 GMT+7

Hội nghị 'Cập nhật khuyến cáo điều trị đột quỵ' ngày 29.10 tại TP.HCM đã kiến nghị một giải pháp mới cho bệnh nhân đột quỵ cấp được điều trị trong khung 'giờ kim cương' là 1 - 3 giờ đầu sau khởi phát bệnh, ngay trên xe cứu thương.

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, hằng năm có khoảng 14 triệu bệnh nhân (BN) đột quỵ mới mắc và 6 triệu người tử vong do đột quỵ trên thế giới. Tại nhiều nước (khoảng 39% quốc gia), tử vong do nguyên nhân đột quỵ đã đứng hàng thứ nhất, vượt trên nguyên nhân tim mạch, trong số đó có Trung Quốc và VN. Bên cạnh đó, đột quỵ đã để lại hơn 80 triệu BN sống trong tình trạng tàn phế.

Xe cứu thương của Trung tâm cấp cứu 115 chuyển viện cho một ca bệnh có dấu hiệu đột quỵ cấp đến trung tâm điều trị chuyên sâu

Lê Vân

Thêm 15 phút cứu thêm 4% BN đột quỵ cấp

Qua nghiên cứu và điều trị các ca lâm sàng, PGS Nguyễn Huy Thắng cùng nhiều chuyên gia quốc tế tham dự hội nghị đề xuất giải pháp cấp cứu BN đột quỵ ngay trên xe cứu thương lưu động bằng cách hợp tác với Trung tâm cấp cứu 115 (Trung tâm) hoặc trạm vệ tinh, đơn vị điều trị đột quỵ ở các địa phương. Mô hình xe cứu thương đột quỵ lưu động “Mobile Stroke Unit” hiện được áp dụng ở một số nước như Úc, Đức, Mỹ, Nhật… “Cứ 15 phút được rút ngắn thì sẽ có thêm 4% BN được cứu sống”, ông Thắng nói.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm, cho biết hiện tại Trung tâm thường xuyên tiếp nhận cấp cứu ngoài viện do đột quỵ cấp. Hướng xử lý là xe cứu thương sẽ tiếp cận, cấp cứu bước đầu và chuyển BN đến đơn vị điều trị đột quỵ gần nhất. Về mô hình Mobile Stroke Unit, theo ông Long, là khả thi trong giai đoạn này nhưng cần có phương tiện, đội ngũ BS được đào tạo cấp cứu ngoại viện chuyên ngành đột quỵ từ các trung tâm chuyên sâu. Với điều kiện giao thông thường xuyên tắc nghẽn ở TP.HCM, nếu thực hiện được quy trình cấp cứu người đột quỵ cấp ngay trên xe thì sẽ tăng thêm cơ hội hồi phục cho BN.

Tuy nhiên, một khó khăn trong việc xử trí cấp cứu đột quỵ khởi phát là người dân chưa nhận biết nhiều về dấu hiệu đột quỵ như: liệt 1 phần cơ thể, tay, chân mất cảm giác hoặc mất khả năng nói. Do đó, khi xe cứu thương tiếp cận để chuyển viện thì thường lỡ mất “cửa sổ vàng” trong 3 - 4,5 giờ đầu tiên sau khởi phát đột quỵ để can thiệp tiêu sợi huyết tĩnh mạch.

Xe cứu thương đột quỵ di động sẽ giải quyết được vấn đề này. Nhưng việc trang bị thêm xe cứu thương trong hệ thống y tế công hiện nay là rất khó vì sẽ gặp vướng mắc các vấn đề về đề xuất, đấu thầu… Bên cạnh đó là việc trang bị phương tiện chẩn đoán hình ảnh trên xe cũng như việc đưa thuốc đến BN cần có đội ngũ y, BS được đào tạo chuyên sâu về đột quỵ cấp. Hiện nay, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 là đơn vị điều trị đột quỵ hàng đầu ở phía nam, nếu kết hợp với Trung tâm - nơi tiếp nhận và phân loại, nhận diện bệnh cấp cứu thì điều này sẽ rất có lợi cho BN đột quỵ tại TP.HCM cũng như các vùng lân cận.

Mô hình trong mơ nhưng…

Nhiều BS tham gia điều trị đột quỵ cũng chia sẻ trong điều kiện dân số TP.HCM và cơ sở kỹ thuật, đặc biệt là thiết bị chẩn đoán hình ảnh còn thiếu thốn thì việc có xe cứu thương di động được trang bị máy chẩn đoán hình ảnh, đội ngũ cấp cứu đột quỵ là “mô hình trong mơ” nhưng rất khó thực hiện tại các cơ sở y tế công. Hiện nay Trung tâm TP.HCM có 39 trạm vệ tinh, trong đó có trạm vệ tinh là BV Gia An 115 đã triển khai trang thiết bị khá hiện đại. Nếu BV này chịu trang bị thêm xe thì sẽ khả thi hơn vì cơ chế mua sắm tư nhân thoáng hơn cơ sở công.

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Thắng, Đơn vị Đột quỵ của BV Nhân dân 115 mỗi năm nhận điều trị khoảng 14.000 BN đột quỵ. Hiện nay, BV Nhân dân 115 luôn trong tình trạng quá tải. Hiện tại, phòng chụp CT của Khoa Cấp cứu tại BV cũng đang ngưng hoạt động do vấn đề kỹ thuật. Việc chuyển bệnh đi chụp CT hay MRI ở Khoa Chẩn đoán hình ảnh cũng làm mất thêm thời gian vàng trong điều trị đột quỵ.

Trong thời gian qua các chuyên gia đột quỵ của BV đã chuyển giao kỹ thuật điều trị đột quỵ cho nhiều BV trên địa bàn thành phố và trên cả nước. Phương pháp chính trong điều trị đột quỵ là tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn nhằm cứu lấy vùng nhu mô não đang bị tổn thương bằng các liệu pháp thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Tuy nhiên, các liệu pháp điều trị này chỉ hiệu quả khi người bệnh đến sớm - trong vòng 4,5 - 6 giờ của “cửa sổ thời gian vàng”, do đó nên được đưa đến BV gần nhất có khả năng thực hiện những kỹ thuật điều trị này. Tại TP.HCM, tính đến năm 2020 có 17 BV có thể tiếp nhận và can thiệp điều trị cho BN đột quỵ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.