Ngày 1.11, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (chủ đầu tư dự án xe đạp công cộng ở TP.HCM) cho biết công ty đã nhập về 500 xe đạp vào cuối tháng 10, sau thời gian đặt hàng từ nhiều tháng trước dịch Covid-19. Số phương tiện này đang được nhân viên công ty kiểm tra, bảo dưỡng, lắp sim, cài đặt hệ thống khóa tích hợp đồng bộ với máy quản lý tự động.
TP.HCM từng triển khai mô hình xe đạp công cộng tại khu Đại học Quốc gia TP.HCM |
ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Theo ông Dân, toàn bộ hệ thống phần mềm và thiết bị phục vụ cho dự án hiện đã hoàn thiện. Phía công ty đang gấp rút hoàn thành hệ thống biển báo, sơn vạch, lắp đặt thiết bị tại 43 trạm theo đề án đã được UBND TP phê duyệt. Dự kiến, hệ thống xe đạp công cộng tại TP.HCM sẽ chính thức được triển khai trong tháng 11 này.
Trong giai đoạn thí điểm, Tập đoàn Trí Nam sẽ đầu tư 388 xe bố trí ở 43 vị trí tại khu vực quận 1 và dọc dự án tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (quận 3). Thời gian thí điểm 12 tháng, kể từ ngày Công ty Trí Nam đưa xe vào hoạt động thí điểm và được miễn tiền thuê đất để bố trí đậu xe; sau đó tổng kết, tính toán đầu tư mở rộng nếu UBND TP.HCM chấp thuận.
Thuê xe đạp tăng gấp 3 lần sau giãn cách, chủ tiệm không tăng giá |
Xe đạp sử dụng là loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G hoặc bluetooth trên di động.
Để sử dụng dịch vụ này, người dân sẽ tải về miễn phí và cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại thông minh, từ đó có thể quét tìm xung quanh để đến được điểm trạm còn xe gần nhất. Sau đó dùng chính ứng dụng này để quét mã code mở khóa xe sử dụng. Sau khi hoàn tất chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng nơi quy định để khóa xe. Giá vé giai đoạn thí điểm được tính theo thời gian: 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút...
Diện tích trung bình của 1 vị trí đậu xe từ 10 - 15 m 2. Mỗi vị trí sẽ có khoảng 10 - 20 xe và số lượng xe mỗi vị trí có thể thay đổi cho phù hợp với không gian và mật độ sử dụng. Hệ thống xe đạp công cộng này sẽ được bố trí trên vỉa hè của một số tuyến đường trung tâm tại quận 1, gần với các điểm dừng xe buýt (trạm dừng, nhà chờ) lưu lượng lớn nhằm đảm bảo người dân có thể đi bộ và tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi.
Sở GTVT TP.HCM đánh giá phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng khác như xe buýt là cần thiết. Mạng lưới xe đạp sẽ phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện hơn thay vì hình thức đi bộ truyền thống hiện tại. Đặc biệt, TP đang nghiên cứu thí điểm 2 tuyến đường ưu tiên cho xe buýt, xe đạp công cộng sẽ là phương án hiệu quả gom khách, hút khách cho xe buýt.
Bình luận (0)