Trần Lệ Thủy
Theo quan niệm của người Á đông từ xưa tới nay, má lúm đồng tiền tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, bên cạnh đó còn là nét đẹp dễ thương và duyên ngầm cho người sở hữu. Vì muốn có được những ưu điểm trên, khá nhiều bạn trẻ đã tìm đến các phương pháp thẩm mỹ để có đôi má lúm đồng tiền cho mình. Không chỉ các bạn gái, những chàng trai tuấn tú cũng thấy sức hấp dẫn của chiếc má lúm, nên nhiều chàng quyết thử thay đổi trên khuôn mặt. Tuy nhiên, không phải ai làm cũng đẹp, có người má không thành lúm mà biến thành “giếng trời” trên mặt. Thạc sĩ, BS Lê Tấn Hùng – Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ BV Răng Hàm Mặt, TP.HCM sẽ có những giải đáp xoay quanh vấn đề này.
Tại sao người có má lúm đồng tiền, người lại không có?
Người có má lúm đồng tiền vì da ở vùng má của họ dính vào cơ mút, nói nôm na là cơ giữa má. Khi vận động mặt như cười, nói cơ mút sẽ co và kéo da tạo một vết lúm. Thực chất, đây chỉ là một “khiếm khuyết” nhỏ trên hệ thống cơ ở má. Với những người có cơ gò má ngắn, ngay cả khi không nói cười vẫn nhìn thấy má lúm đồng xu.
Tạo má lúm có phải là trào lưu mới?
Nhiều ngôi sao trên thế giới và trong nước nổi tiếng không chỉ vì tài năng, hình thức mà còn nhờ đôi má lúm đồng tiền này. Điển hình như siêu người mẫu Úc, người được mệnh danh là thiên thần nội y Miranda Kerr, diễn viên Holywood nổi danh Jenifer Garner, đến các sao Hàn quốc: Shin Min Ah... Tại Việt nam có những người đẹp sở hữu đôi má lúm duyên dáng, họ đều thành công trong sự nghiệp như model Thanh Hằng, Trang Nhung, hoa hậu Diễm Hương, diễn viên Thanh Thúy... Điều này đã khiến các bạn trẻ, những người ưa tìm cái mới và thích sự thay đổi đã “đổ xô” đi phẫu thuật để mong có được nụ cười hút hồn như thần tượng. Dù không “nóng” như phẫu thuật vòng một hay làm mũi, hút mỡ, nhưng phẫu thuật tạo má lúm lúc nào cũng được yêu cầu tư vấn và phẫu thuật.
Phẫu thuật tạo má lúm có những phương pháp nào?
Hiện có 4 dạng má lúm phổ biến là má lúm dài, má lúm Ấn Độ má lúm ở giữa má, má lúm ở khóe miệng. Tùy vào trường hợp cụ thể để bác sỹ quyết định tạo kiểu má lúm nào cho người có nhu cầu. Xuất phát từ căn nguyên của má lúm đồng tiến, bác sỹ thẩm mỹ sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật phù hợp. Hiện có 2 phương pháp làm đẹp này. Phương pháp rạch đường nhỏ bên trong niêm mạc má. Phương pháp này thường dành cho người muốn có lúm đồng tiền rõ, và theo má lúm dài. Hoặc phương pháp luồn chỉ dựa trên nguyên tắc má lúm đồng xuất hiện khi cười là do một phần cơ cười bám da tạo thành, bác sĩ sẽ dùng chỉ cột lớp da bên dưới vào cơ cười mà không cần làm phẫu thuật. Sau khi xác định chính xác vị trí cơ mút để tạo lúm đồng tiền, bác sĩ rạch một 1 lỗ nhỏ (1mm – 2mm) luồn chỉ vào đính phần da với cơ mút.
Phẫu thuật này có gây đau, chảy máu không?
Tạo má lúm đồng tiền là phẫu thuật nhỏ, được thực hiện nhẹ nhàng, nhanh chóng. Trước phẫu thuật, bác sĩ sẽ gây tê để đảm bảo trong quá trình thực hiện khách hàng sẽ không cảm thấy đau hay khó chịu. Khi đã đụng vào dao kéo, chắc chắn sẽ có máu, nhiều hay ít, điều này tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người và điều quan trọng là tay nghề của bác sỹ.
Phẫu thuật cắt má lúm đồng tiền để lại sẹo?
Do kỹ thuật này được thực hiện từ bên trong miệng nên sẽ không để lại sẹo hay dấu vết ngoài da.
Sau phẫu thuật bao lâu má lúm đồng tiền sẽ hiện rõ trên má?
Đây là phẫu thuật tương đối an toàn và mang lại kết quả khả quan. Sau phẫu thuật 30 - 50 ngày (1 - 1,5 tháng) khi cười hoặc nói mới thấy rõ lúm đồng tiền xuất hiện.
Tại sao có những người sau hậu phẫu, họ lại bị hiện tượng khi không cười nói má vẫn có lúm đồng tiền?
Đầu tiên, sau phẫu thuật má lúm đồng tiền hiện diện ngay cả lúc không cười, nhưng sau vài tuần, hoặc đôi khi 1 - 2 tháng, má lúm đồng tiền sẽ trở nên tự nhiên và chỉ xuất hiện khi cười hoặc vận động mặt. Sự liền sẹo kết dính giữa mặt trong da và lớp cơ sẽ tạo một sự lúm vĩnh viễn, thậm chí sau khi mũi chỉ khâu bị tiêu đi. Còn sau thời gian này vẫn bị tình trạng này, có thể trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ đã “chỉnh sửa” phần da trong niêm mạc má chưa đúng nên da bị co rút khiến họ luôn có má lúm kể cả khi khóc, hay khi không cười nói. Với phương pháp “luồn chỉ”, có thể chỉ đã quá chặt nên gây biến chứng trên.
Ai không nên làm?
Nếu muốn tạo má lúm bạn phải được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và xét nghiệm kiểm tra máu chảy máu đông trước phẫu thuật. Những người mắc các bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch, tiểu đường không nên tham gia vào việc “luồn kim xe chỉ ”này.
Có gây biến chứng gì nghiêm trọng?
Tất cả mọi phẫu thuật đều chứa đựng những nguy cơ và có khả năng có những biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng. Nhiễm trùng do đường đặt trong miệng gây áp xe. Đau miệng, bị méo miệng vì bác sĩ làm tổn thương dây thần kính mặt. Chỉ tiêu nhưng da không dính vào được nên chưa tạo má lúm, hoặc da bị co rút khiến mặt lúc nào cũng có lúm đồng tiền. Ngoài ra có thể gặp một số biến chứng như lỏng chỉ, má lúm đồng tiền xuất hiện không cân xứng. Nhưng nhìn chung chung các biến chứng này rất hiếm gặp.
Chế độ hậu phẫu cho phương pháp làm đẹp này?
Sau phẫu thuật, bạn cần dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sỹ. Trong những ngày đầu cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng với nước sát khuẩn hoặc nước muối loãng. Ăn đồ ăn nhẹ, loãng, hạn chế ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Những món ăn có độ dẻo cũng không được khuyến khích vì chúng dễ bị bám quanh và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Tránh vận động miệng quá mạnh như nói to, gào thét, hôn... vì sẽ gây đau.
Ngoài ra loại phẫu thuật này còn ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ khuôn mặt. Ví dụ, nếu phẫu thuật tạo lúm không phù hợp khuôn mặt, quá nông hoặc quá sâu... thì khuôn mặt sẽ coi như bị biến dạng, lúc đó đẹp chẳng thấy đâu mà lại còn rước tật. Với những ai có ý tưởng muốn tạo má lúm đồng tiền thì trước hết cần phải xem xét kỹ lưỡng xem khuôn mặt của mình có phù hợp hay không, vì không phải ai có má lúm đồng tiền cũng đẹp. Có người thì rất duyên dáng, những không ít người lại trở nên “vô duyên” chỉ vì có thêm “giếng trời” trên mặt. |