(TNO) Đến chiều 17.6, chiếc máy bay Boeing 707 số hiệu VN 304 một thời được làm quán “cà phê Boeing” nằm trên đường Hồng Hà, Tân Bình (TP.HCM) đã bị nhóm thợ “xẻ thịt” được hơn nửa công đoạn, chỉ còn phần bụng và đuôi.
Phần mái, cánh và đầu đã được những người thợ bóc tách và dùng máy hàn xì cắt nhỏ thành từng mảnh. Dù giữa trưa nhưng nhóm thợ vẫn không nghỉ để đẩy nhanh tiến độ cắt, xẻ.
“Đại công trường” được che kín bằng những tấm bạt bao quanh. Cổng được khóa lại để không cho người lạ tiếp cận.
Theo người quản lý nhóm thợ ở đây, họ được một công ty thuê tháo dỡ nhưng không tiết lộ sau khi tháo dỡ phần thân máy bay sẽ đưa đi đâu, làm gì. Dự kiến việc tháo dỡ sẽ kết thúc sau hơn 1 tuần nữa.
Theo quan sát của PV Thanh Niên Online, nhóm thợ tháo dỡ khoảng 5-7 người. Trong ngày 17.6, nhóm thợ tập trung vào tháo dỡ phần đầu và đuôi máy bay. Các miếng thép, nhôm sau khi dỡ ra được cắt thành những tấm hình vuông chừng 1,5x1,5 m và được tập kết tại một khu vực ở hiện trường.
Một số hình ảnh về việc tháo dỡ máy bay Boeing 707 mà PV Thanh Niên Online ghi lại:
Từng chở khách và được dùng mở quán cà phê Boeing 707 này là máy bay đầu tiên của Việt Nam, thuộc sở hữu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trước ngày 30.4.1975, chiếc Boeing 707 được đưa sang Hồng Kông và nằm lại tại đó nhiều năm. Sau nhiều lần đàm phán, Việt Nam mới thu hồi được máy bay. Sau ngày giải phóng, Boeing 707 được Vietnam Airlines đổi số hiệu thành VN 304 để kỷ niệm ngày thống nhất đất nước và sử dụng một thời gian. Khoảng năm 1980, do hư hỏng nên máy bay được kéo về bãi đất trống trên đường Hồng Hà. Toàn bộ động cơ, hệ thống điều khiển bị tháo ra, phục vụ việc huấn luyện của Trung tâm huấn luyện bay TP.HCM. Trước khi bị “xẻ thịt”, có một quán cà phê được mở dưới cánh máy bay với tên gọi "cà phê Boeing" thu hút khách. Thời gian gần đây, quán cà phê ngừng hoạt động. Đầu những năm 1950, Hãng Boeing Airplane Company xuất xưởng chiếc Boeing mang số hiệu B707 tại Mỹ. Đây là máy bay phản lực chở khách dân dụng đầu tiên mà hãng sản xuất với những tính năng ưu việt có thể sử dụng trong quốc phòng và sức chứa hành khách lên tới 156 người (gấp năm lần so với một số máy bay của một số nước vào thời điểm đó), tốc độ 966 km/giờ và hành trình 4.828 km. |
Bình luận (0)