Công nghệ xe hơi nào được ứng dụng rộng rãi trong tương lai?

28/12/2015 05:19 GMT+7

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu luôn phát triển không ngừng, đồng hành với đó là hàng loạt thành tựu công nghệ mới liên tiếp ra đời nhằm hỗ trợ người sử dụng, tiết kiệm nhiên liệu hoặc giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn…

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu luôn phát triển không ngừng, đồng hành với đó là hàng loạt thành tựu công nghệ mới liên tiếp ra đời nhằm hỗ trợ người sử dụng, tiết kiệm nhiên liệu hoặc giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn…

Dưới đây là 5 công nghệ tiên tiến hứa hẹn sẽ được áp dụng rộng rãi trên xe hơi trong thời gian tới:

Hiển thị hình ảnh trên kính lái HUD

Head-Up Display (HUD) đang là một trong những công nghệ được người mua xe yêu thích nhất, với chức năng biến chiếc kính chắn gió trên ô tô thành màn hình hiển thị hình ảnh một cách sống động chứ không chỉ dùng để chắn gió đơn thuần. Công nghệ HUD giúp người điều khiển phương tiện theo dõi tốc độ, hướng chuyển động, các thông số vận hành và tín hiệu cảnh báo ngay trên kính lái mà không cần phải nhìn xuống bảng điều khiển trung tâm.

HUD - công nghệ đang được người lái yêu thích hàng đầu
Tới thời điểm hiện tại, có tổng cộng 10 nhà sản xuất xe hơi trang bị tính năng hiển thị kính lái HUD cho 19 mẫu xe khác nhau. Dự kiến đến năm 2018, số lượng xe trang bị hệ thống kính lái HUD sẽ cán mốc 5 triệu, hơn gấp 3 lần con số 1,5 triệu xe trong năm 2015. Trong đó, một số hệ thống HUD tích hợp có giá thành hợp lý hoàn toàn có thể áp dụng cho những mẫu xe nhỏ và phổ thông.

Xe thải ra nước

Khái niệm xe chạy bằng tế bào nhiên liệu (fuel cell) thân thiện với môi trường chỉ mới ra đời cách đây hơn một năm nhưng đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng trên thế giới. Toyota đã hiện thực hóa công nghệ mà chưa hãng xe nào khám phá được với chiếc Mirai vận hành chỉ bằng gói nhiên liệu Hydro và thải ra hơi nước.
Toyota Mirai thải ra nước nhận được đông đảo sự quan tâm
Một hãng xe Nhật khác là Honda cũng gia nhập cuộc chiến với đồng hương khi vừa giới thiệu mẫu Clarity Fuel Cell tại Triển lãm Ô tô Tokyo 2015 hồi đầu tháng 11 vừa qua. Dự kiến trong tương lai gần, không chỉ Toyota hay Honda mà còn nhiều nhà sản xuất ô tô khác cũng sẽ tham gia phát triển xe chạy pin nhiên liệu, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu.

Tua-bin năng lượng điện

Động cơ đốt trong sử dụng xăng hay diesel đang dần được thay thế bằng các loại động cơ mới tiết kiệm và cho hiệu suất cao hơn. Tuy còn khá mới lạ nhưng động cơ tua-bin đặc biệt được chú ý bởi ưu điểm công suất lớn và hoàn toàn xanh. Hiện loại động cơ này đang được ứng dụng trên máy bay, và hứa hẹn sẽ sớm có mặt trên ô tô khi các hãng xe phát triển được kích thước và tỷ lệ phù hợp.
Mẫu concept Jaguar C-X75 đã hiện thực hóa động cơ tua-bin điện
Jaguar đã mang động cơ này đi vào đời thực trên bản concept C-X75. Mẫu siêu xe ý tưởng trang bị hệ thống pin lithium-ion và hai tua-bin gió được đặt ở phía sau cung cấp năng lượng cho 4 động cơ điện cho tổng công suất tới 800 mã lực, nhờ đó cho khả năng tăng tốc từ 0-100 km/giờ trong 3,4 giây và đạt vận tốc tối đa 330 km/giờ. Nền tảng đã có, vấn đề Jaguar cần giải quyết hiện tại là giảm thiểu lượng nhiệt quá lớn phát sinh từ động cơ, tới nỗi có thể “nướng chín” phương tiện phía sau trong giây lát.

Ứng dụng rộng rãi vật liệu sợi carbon

Sợi carbon siêu nhẹ, siêu bền luôn tạo nên sự khác biệt cho bất kỳ mẫu xe nào, với khả năng gia tăng sức mạnh vận hành lẫn tính thẩm mỹ không lẫn vào đâu được. Tuy nhiên, quá trình sản xuất sợi carbon vẫn chưa được “bình dân hóa” khiến loại vật liệu này hiện chỉ có mặt trên các mẫu xe concept hay siêu xe đắt giá.
Vật liệu sợi carbon chỉ có trên những chiếc siêu xe triệu USD
Dù vậy, các hãng xe hàng đầu thế giới như Mercedes-Benz, BMW, General Motors hay Ford đều đang nỗ lực tìm ra phương pháp sản xuất phổ thông với tham vọng ứng dụng rộng rãi sợi carbon vào các mẫu xe thương mại, không chỉ ở một số chi tiết mà còn cho cả phần thân xe.

Xe tích hợp các chức năng tự lái

Ý tưởng về xe tự lái không phải quá mới mẻ và công nghệ này cũng đến rất gần với thực tế. Các kỹ sư của Google đã thử nghiệm hệ thống tự lái trên các loại xe khác nhau cùng độ dài quãng đường di chuyển trên 300.000 km. Bằng cách sử dụng hệ thống đèn laser, camera, radar để truyền thông tin về bộ xử lý trung tâm, những chiếc xe này có thể ghi lại hình ảnh đường đi, nhận biết biển báo, tìm kiếm lối đi dự phòng và nhìn thấy đèn báo cùng các phương tiện khác xa hơn tầm nhìn của con người.
Lexus đang thử nghiệm tính năng tự lái trên đường cao tốc
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn, khó có thể phát triển được một chiếc xe hơi tự lái hoàn toàn mà không cần sự giám sát của con người. Thay vào đó, rất nhiều hãng xe đang ứng dụng lần lượt các công nghệ tự chủ trong một số trường hợp cụ thể, khi được đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng đường giao thông cũng như không chịu ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.