Liên quan đến vụ việc một xe cứu thương khi đang chở bệnh nhân đi cấp cứu bị xe tải cố tình không nhường đường suốt một đoạn dài tại Trà Vinh, mới đây PV Báo Thanh Niên đã phỏng vấn anh Trần Huỳnh Hoài Phong - tài xế xe cứu thương để làm rõ sự việc.
Anh Phong cho biết, vụ việc kể trên xảy ra vào khoảng gần 11 giờ trưa ngày 22.9.2020. Thời điểm này, chiếc xe cứu thương của Đội Thanh niên xung kích tỉnh Trà Vinh do anh làm đội trưởng, đồng thời tự tay cầm lái, đang chở một người đàn ông bị tai nạn tại QL54 (đoạn qua xã Mỹ Chánh, Châu Thành, Trà Vinh) lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh chữa trị. Khi đến khu vực thuộc địa bàn xã Đa Lộc (Châu Thành) thì gặp xe tải mang biển kiểm soát 64C-060.23 đang di chuyển phía trước.
|
Lúc này, do trên xe cứu thương đang chở nạn nhân bị tai nạn cần nhanh chóng chuyển đến bệnh viện nên anh Phong đã bật còi hú để báo hiệu xin nhường đường. Tuy nhiên, suốt một đoạn khá dài, xe tải di chuyển phía trước vẫn “thờ ơ” và thản nhiên di chuyển sát bên trái làn đường ngoài cùng. Anh Phong sau đó phải mở loa và liên tục nói lớn: “Đề nghị xe tải 64C-060.23 nhường đường cho xe cứu thương làm nhiệm vụ” nhưng tải xế xe tải vẫn tiếp tục “ngó lơ”.
Theo anh Phong thời điểm vụ việc xảy ra, đoạn đường hai xe di chuyển khá hẹp và xe chạy chiều ngược lại khá đông. Vì vậy, phải mất khá lâu với quãng đường gần 4 km xe cứu thương mới có thể vượt lên. Đáng nói, suốt quãng đường này, nhiều lần anh Phong liên tục nhấn còi và đánh lái sẵn sàng vượt, nhưng xe tải vẫn kiên quyết không nhường đường mà lạng qua trái, lấn cả vạch kẻ đường nhằm “ép” xe cứu thương, cực kì rất nguy hiểm.
|
Sự việc chưa dừng lại ở đó. Anh Phong và nhiều người trên xe cứu thương thời điểm xảy ra vụ việc còn bức xúc hơn, bởi sau khi xe cứu thương vượt lên, tài xế xe tải tiếp tục “nhây” khi tăng tốc áp sát xe cứu thương của anh Phong và liên tục thúc còi hơi. “Khoang xe cấp cứu thấp hơn rất nhiều so với xe tải nên khi còi hơi bóp thúc, âm thanh vọng vào xe cấp cứu rất lớn, gặp nạn nhân lớn tuổi sẽ rất nguy hiểm”, anh Phong cho biết.
Cũng theo anh Phong, do xe tải vẫn liên tục thúc còi hơi nên sau đó anh có cho xe cứu thương dừng lại. Sau khi xuống xe và chỉ tay vào khoang cấp cứu cho tải xế xe tải biết xe cứu thương đang chở bệnh nhân, anh Phong có nhắc nhở tài xế xe tải “dừng ngay hành động thiếu ý thức”. Tuy nhiên, tài xế xe tải chỉ “bấm điện thoại và ngồi trên xe cười cười như không có chuyện gì”.
|
Liên quan đến vấn đề mà nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, liệu xe cứu thương trong vụ việc có sử dụng tín hiệu ưu tiên đúng quy định của pháp luật? Anh Phong khẳng định chiếc xe của Đội Thanh niên xung kích tỉnh Trà Vinh là xe đặc chủng cứu thương. Xe đã có đầy đủ giấy phép sử dụng đèn, còi ưu tiên. Hơn nữa, anh Phong cũng chia sẻ, anh và những thành viên trong đội làm công việc này hoàn toàn là từ thiện nhiều năm qua, nên cũng không muốn “kiếm chuyện với ai”.
Về đoạn video ghi lại vụ việc, anh Phong cho biết chỉ muốn đăng tải nhằm nhắc nhở tải xế lái xe tải, đồng thời mong muốn mọi người khi tham gia giao thông nên nhường đường nếu gặp xe cứu thương hay các xe ưu tiên khi đang làm nhiệm vụ.
Trong khi đó, trên mạng xã hội, đoạn video sau khi được đăng tải trên các diễn đàn, hội nhóm đã nhanh chóng lan truyền. Đa phần “cư dân mạng” bày tỏ sự bức xúc, “phân nộ” trước hành vi thiếu ý thức của tải xế xe tải, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc và xử thật nghiêm tài xế “thiếu tình người” này.
Hành vi không nhường đường cho xe cứu thương bị phạt ra sao?
Điểm h Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe có hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hình vi này cũng chịu hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.
|
Bình luận (0)