Xe chỉ để... chơi

01/09/2013 14:16 GMT+7

Hải Kar nói: 'Xe đi hằng ngày anh bán lâu rồi, thường ngày chỉ đi xe máy, xe đạp. Cuối tuần anh lấy xe đi offroad hoặc chọn những cung đường vắng để drift xe...'

'Xe đi hằng ngày anh bán lâu rồi, thường ngày chỉ đi xe máy, xe đạp. Cuối tuần anh lấy xe đi offroad hoặc chọn những cung đường vắng để drift xe. Ít tiền thì chạy rón rén để tốn ít lốp, còn sung thì 'đốt' 5 - 6 quả cho sướng chân'. Cuộc gặp gỡ với 'kẻ cuồng xe' biệt danh Hải Kar mở đầu đơn giản thế...

Tiên phong

Phong trào offroad ở Việt Nam bắt đầu từ khoảng năm 2007, nhưng từ năm 2004, Hải Kar, tên thật là Nguyễn Thanh Hải đã thử chơi môn này rồi “dụ dỗ” bạn bè tham gia bằng các bài viết cũng như hình ảnh giới thiệu về offroad. Lúc đó, offroad chưa phải là thể loại mà chỉ là “trò chơi”, một môn chơi của giới “thích đem xe đi phá”.

Đem xe đi thử 'đo đường' 
Đem xe đi thử 'đo đường'

Đi ngược lại những quan niệm sai lầm của bạn bè, anh Hải tự mình dựng những chiếc xe mà cả giới chuyên nghiệp nghe cũng phát sầu “không dám đi” bởi chúng chỉ là chiếc xe... cỏ, yếu ớt, làm sao mà đem thử địa hình được. Vậy mà những chiếc xe cỏ Lada Niva 1600 hai cầu giá có 6,5 triệu đồng hồi năm 2004, Mitsubishi Triton (2010), Gaz96 (2012) vẫn có thể tung hoành ở các cuộc thi và thấp nhất cũng nằm trong top 5 xe về đầu trên tổng số 40-50 chiếc xe được “độ tới bến”.

Mở đầu cho môn drift xe ở Hà Nội 
Mở đầu cho môn drift xe ở Hà Nội

Có lẽ máu phiêu lưu đã ngấm sâu vào người, khi offroad được đông đảo dân tình biết đến, Hải Kar lại tiếp tục rủ anh em tham gia một trò chơi mới là drift xe. Anh cũng là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam “độ xe để drift”.  Đi tiên phong trong phong trào lái xe offroad và cũng là kẻ “nghiện nặng” kiểu đi xe  “offroad nhũn não” tức là lái xe khám phá các cung đường mới, địa hình khó, nên anh trực tiếp tham gia “độ” luôn chiếc xế cưng của mình sao cho phù hợp với địa hình mà mình muốn thách thức.

Và mê xe thực dụng

Mê độ xe có nhiều cấp, người thích vẻ lịch lãm hoặc hầm hố thì độ body kit, thay lớp vỏ ngoài; người muốn máy mạnh thì độ công suất... Riêng anh Hải lại theo style thực dụng, cần cái gì anh mới độ dựa trên hiểu biết của mình. Nếu xe máy yếu, thay vì đổ tiền nâng công suất máy, rất tốn tiền, anh chọn giải pháp làm nhẹ xe (loại bỏ tất cả các chi tiết không liên quan tới chuyển động xe: máy lạnh, ghế sau) để cải thiện tỷ lệ công suất máy bằng cách cải thiện trọng lượng xe.

Cùng xế cưng tham gia giải Việt Nam Offroad Cup 2012 
Cùng xế cưng tham gia giải Việt Nam Offroad Cup 2012

Không dùng tableau gin theo xe, anh Hải tự làm mới bằng vật liệu nhẹ như nhôm. Vô lăng cũng thay bằng loại nhẹ nhất có thể; ghế theo xe thường nặng cỡ 20-28 kg/chiếc, anh thay loại ghế thi đấu bằng composite chỉ nặng 6 kg/chiếc.

Có lẽ, anh là một trong những tay chơi hiếm hoi tự độ một chiếc xe dành riêng để đi drift. Cứ 2 tuần một lần, anh Hải cùng bạn bè đến một vùng không liên quan đến giao thông công cộng, drift và “đốt” từ 2 đến 6 quả lốp rồi về”.

Chiếc xe chỉ dành để drift 
Chiếc xe chỉ dành để drift

Lâu lâu Hải Kar lại mang xe đi khám phá các cung đường mới, hoặc có thể bước ra từ một màn khói đen kịt sau tiếng rít từ lốp xe. Với anh, dù không cố ý là “kẻ đầu têu” trong việc tìm kiếm các hình thức chơi xe mới nhưng dường như cái máu phiêu lưu, ưa khám phá, mạo hiểm đã “ngấm vào người nên phải... chịu”.

Nguyên Trang
Ảnh; NVCC

>> Sao Hollywood chơi xế độ
>> Tuyệt phẩm xe độ “Triumph TT” theo phong cách Café Racer
>> Những siêu phẩm tại triển lãm xế độ SEMA Show 2012
>> Quái thú" tụ hội ở triển lãm xe độ SEMA 2012
>> Xe độ Indian Chief Vintage độc nhất Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.